Sự Trỗi Dậy của Những Chiến Binh Độc Lập – Đánh Giá Trò Chơi

0
28

Sự trỗi dậy của những chiến binh độc lập đánh giá trò chơi là một điều không thể phủ nhận trong làng game hiện nay. Với đồ họa sống động, cốt truyện hấp dẫn và gameplay đồng bộ, những trò chơi này ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo game thủ trên thị trường.

Rise of the Ronin – Mỗi khi nhắc đến cái tên Team Ninja, người viết thường nghĩ ngay đến hình ảnh cực “ngầu” của vị đạo diễn kiêm lãnh đạo Tomonobu Itagaki, người đã góp công hồi sinh dòng game huyền thoại Ninja Gaiden lên hệ máy Xbox vào những năm đầu thế kỷ 21, cái thời mà Playstation 2 vẫn còn chễm chệ ngồi trên “ngai vàng” của làng game console và chả ai mảy may biết đến các sản phẩm khác đến từ hãng Microsoft và chiếc hộp X bí ẩn của họ.

Ninja Gaiden khi ấy không chỉ được nhiều người yêu thích với lối chơi chặt chém (hack and slash) hiện đại có tiết tấu nhanh, gãy gọn “sướng tay, đã mắt” cùng độ khó “nhũn cả não” mà nhân vật chính, anh chàng nhẫn giả Ryu Hayabusa còn góp mặt vào các thương hiệu nổi tiếng khác của Team Ninja sau đó như Dead Or Alive và mau chóng trở thành một trong những biểu tượng đáng nhớ nhất mọi thời đại của hãng game Tecmo (công ty “mẹ” của Team Ninja, tiền thân của Koei Tecmo sau này).  

Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi hãng FromSoftware ra mắt tựa game Dark Souls vào năm 2011, bước ngoặt tái định hình gần như toàn bộ xu hướng phát triển game hành động nhập vai chặt chém, đánh dấu sự ra đời của phong cách game “Souls-like” (game có lối chơi như Dark Souls – NV) với sức ảnh hưởng kéo dài cho đến tận ngày nay.

Khi phong trào “nhà nhà thi nhau” làm game “Souls” bắt đầu nở rộ thì Team Ninja cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi lần lượt ra mắt các thương hiệu mới như Nioh, Stranger of Paradise hay Wo Long: Fallen Dynasty mang đậm dấu ấn phong cách này nhưng hầu hết vẫn chưa mang lại nhiều thành công như kỳ vọng. 

Có lẽ thế mà họ đã ấp ủ một dự án cực kỳ tham vọng mang tên Rise of the Ronin, lần đầu sử dụng thiết kế thế giới mở, lượt bỏ những yếu tố tâm linh, thần thoại thường thấy trước đây để đặt trọng tâm vào việc xây dựng phát triển nhân vật, cùng kịch bản tái hiện lại các sự kiện lịch sử.

Càng thú vị hơn khi game này ra mắt cùng ngày với Dragon Dogma 2, một sản phẩm hành động khác đến từ hãng game đối thủ “nhiều duyên nợ” Capcom. (Capcom từng… kiện Koei Tecmo vi phạm bản quyền và giành phần thắng vào năm 2014 – NV) 

Hãy cùng GameVoz tìm hiểu xem Team Ninja và Rise of the Ronin sẽ thể hiện như thế nào trong cuộc so tài đầy cam go này qua bài viết sau, bạn nhé 

Khác với bối cảnh chiến tranh hoang tàn loạn lạc nhuộm màu khói lửa trong tựa game cùng đề tài về các chiến binh võ sĩ đạo – Ghost Of Tsushima, ra mắt năm 2020, Rise of the Ronin tái hiện một nước Nhật phồn hoa, hiện đại hơn nhưng cũng không kém phần nhiễu nhương ở cuối thời kỳ Edo, giai đoạn mà chính quyền Mạc phủ buộc phải mở cửa giao thương với các nước phương Tây trước áp lực của Hải quân Hoa Kỳ, khi họ đem tàu chiến (sau này trong sử sách còn được lưu truyền với tên gọi “Hắc Thuyền”) áp sát bến cảng Yokohama.  

Việc nhượng bộ trước nhiều yêu sách bất công của phía ngoại quốc, miễn cưỡng chấm dứt chính sách bế quan tỏa cảng được duy trì trong thời gian dài khiến triều đình dưới thời tướng quân (Shōgun) Tokugawa vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội, tình hình chính trị trở nên hỗn loạn và nhiều tổ chức khởi nghĩa ngấm ngầm ra đời trên khắp cả nước.

Xuyên suốt tựa game nhân vật “Ronin” – hay “lãng khách” (một võ sĩ đạo không còn chủ tướng) vô danh tiểu tốt của người chơi sẽ được bắt gặp những huyền thoại có thật trong lịch sử như Phó Đề Đốc Matthew Perry, lãng khách Sakamoto Ryōma, nhà cách mạng Yoshida Shōin, lựa chọn kết giao hoặc đối đầu với họ để dẫn dắt cốt truyện theo nhiều hướng đi khác nhau.

Điều thú vị là game không “khóa cứng” người chơi vào một phe phái (Faction) nào cụ thể, bạn hoàn toàn có thể đi làm tay sai cho Mạc phủ rồi lại quay sang tham gia chiến dịch của quân… Đảo Mạc ngay sau đó, cứ thế luân phiên mà không lo bị cắt đứt mạch các chuỗi nhiệm vụ (như đa số game nhập vai thế giới khác – NV), điều này cũng vô tình dẫn đến rất nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” như nhân vật này vừa là bằng hữu đã chuyển thành thù hay anh chàng kia mới vừa quyết đấu một trận “sinh tử” để bảo vệ lý tưởng cách mạng thì qua hôm sau lại quay sang rủ rê người viết đi làm… chén rượu như chưa từng có gì xảy ra “giữa đôi ta”.

Những nhân vật này, còn gọi là các Companion, đóng vai trò thiết yếu trong cách chơi khi có thể cùng tham gia làm nhiệm vụ, tăng cường (buff) chỉ số trạng thái, tặng vật phẩm, dạy cho người chơi những thế đánh mới hay thậm chí là cả… hẹn hò với họ (romance) nữa, nói nôm na thì mức độ tương tác với các NPC trong game cũng giống với hệ thống kết bạn tâm giao Social Link của dòng game Persona

Tất cả các hình thức giao lưu kể trên đều được thực hiện tại một tụ điểm sinh hoạt chung gọi là Longhouse (khu vực giống như Hub trong các game “souls” của FromSoftware), nơi người chơi có thể tùy ý bày biện, trang trí lại từng món đồ nội thất hay thay đổi phục trang cho nhân vật Ronin cực kỳ đa dạng và đẹp mắt. 

Cũng có thời điểm trong cốt truyện buộc người chơi phải đưa ra những lựa chọn ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ và cả số phận các nhân vật, tuy nhiên Rise of the Ronin lại có một tính năng phải nói “vô tiền khoáng hậu” là… quay ngược thời gian trở lại bất kỳ sự kiện nào từng diễn ra trước đó, để thay đổi kết cục của chúng nếu muốn.

Để tránh “spoil” thêm thì người viết tạm miêu tả đại khái tính năng này giống như hình thức chọn chơi lại một Chương game, còn những thay đổi trong đó sẽ hình thành nên một dòng thời gian mới (Timeline), kiểu như “đa vũ trụ” trong các bộ phim siêu anh hùng của Marvel vậy.

Ví như trong một nhiệm vụ, người viết lựa chọn kết liễu gã thủ lĩnh của một băng đạo tặc để “hốt” (loot) món vũ khí xịn sò trên tay hắn, nhưng nhờ có tính năng “xuyên thời không” kể trên mà qua dòng Timeline mới, hắn được… hồi sinh trở lại, đã vậy còn “đắc đạo” trở thành một Companion, cùng tham gia vào con đường trừ gian diệt bạo của người chơi!

Thế giới mở của Rise of the Ronin cũng mang lại một cảm giác tự do đậm chất “sandbox”, người chơi có thể tạm gác tuyến truyện chính để lang thang… “phá làng phá xóm” hay trái lại ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ dân làng thông qua các tình huống xuất hiện ngẫu nhiên dọc khắp đường đi, còn nếu “ngấy” việc phải “động vào đao kiếm” thì còn hàng tá mini-game khác để bạn tha hồ vọc vạch như săn tìm thú cưng, thử tài bay lượn, thi đấu bắn cung, chụp ảnh thiên nhiên cho đến lắc… Tài Xỉu.

Rise of the Ronin lại có một tính năng phải nói “vô tiền khoáng hậu” là… quay ngược thời gian trở lại bất kỳ sự kiện nào từng diễn ra trước đó, để thay đổi kết cục của chúng nếu muốn

Nếu từng chơi qua các tựa game hành động của Team Ninja trước đây thì bạn sẽ có cảm giác “như ở nhà”, ngay khi bước chân vào Rise of the Rōnin.

Trọng tâm trong cơ chế chiến đấu vẫn là việc canh thật chuẩn để bấm phản đòn (Parry), điều tiết cho thanh năng lượng Ki không bị cạn kiệt và nhấp một nút bấm để hồi lại một phần Ki sau mỗi nhịp ra đòn (nó chính xác là Ki Pulse được “bê” sang từ Nioh đấy – NV) nhưng có khác biệt là người chơi còn được trang thêm một loại móc neo (Grappling Hook) để kéo đối thủ hay vật thể lại gần rồi quăng, vật, ném đi tứ tung y như… Người Nhện trong Spider man vậy.

Số lượng binh khí cũng rất đa dạng, nào là kiếm Nhật truyền thống, trường kiếm Odachi cho đến Yển nguyệt đao, Ngưu vĩ đao đến từ Trung Hoa đại lục hay cả kiếm lưỡi cong (Saber) của người phương Tây, mỗi loại còn có nhiều thế đánh (Combat Style) cùng chiêu thức ra đòn đặc trưng riêng biệt.

Chẳng hạn nếu yêu thích thanh kiếm Katana, người chơi sẽ có thể lựa chọn từ tận 9 thế đánh khác nhau, bao gồm những thế rất “ngầu” như chiêu “rút kiếm tất thắng” Thiên Tường Long Thiểm của nhân vật Rurouni Kenshin trong bộ truyện tranh cùng tên, thế nhẫn giả Shinobi vừa chém vừa phóng phi tiêu Shuriken, còn thanh đại trường đao Polearm thì lại có chiêu khóa người đối phương, xoay lộn nhiều vòng trên không của chính anh chàng Ryu Hayabusa huyền thoại trong Ninja Gaiden.

Chưa hết, người chơi còn có thể linh động chuyển đổi sang vũ khí tầm xa (sub-weapon) ngay trong cận chiến với những món như cung tên, súng trường, súng ngắn, vừa có thể nã đạn bắn “bồi” làm choáng đối phương, vừa dùng để ám sát hoặc gây ra các “debuff” (trạng thái xấu). 

Đồ trang bị (Gears) trong Rise of the Ronin thì không chỉ phân theo độ hiếm, mà còn được chia theo “bộ” (set) mà nếu trang bị đủ món trong “set” sẽ tăng cường thêm các chỉ số nội tại (passive) giúp việc lựa chọn trang bị mang nhiều ý nghĩa hơn, thay vì chỉ như là “gom nhặt ve chai” rồi mang về đem bán hay phân rã như một số game tiền nhiệm của hãng.

Ấn tượng nhất là mỗi món đồ này đều có khả năng “chuyển đổi diện mạo” (giống hệ thống Transmog trong Diablo) khiến người viết phải “ngốn” hàng giờ chỉ để phối các món đồ thời trang lên nhân vật Ronin của mình sao cho “độc, lạ”nhất có thể, như là phục trang Tây Âu đi với… chiến giáp Trung cổ chả hạn.  

Ở mặt khác, có thể nói độ khó quá cao trong nhiều tựa của Team Ninja trước đây giống như “con dao hai lưỡi” khi nó vừa tạo nên một sức hút khó cưỡng, nhưng cũng là tác nhân chính khiến số đông đại chúng khó tiếp cận.  

Người viết vẫn còn nhớ như in cái cảm giác “sôi máu” khi chứng kiến con trùm đầu tiên trong Wo Long – Trương Lương, bất ngờ “bật mode” đồ sát ngay khi vừa rút kiệt hết thanh máu của gã hay quay lại thời còn là “tấm chiếu mới”, chập chững vừa bước chân vào game Nioh 2 đã bắt gặp một con quỷ có tên Gozuki để rồi bị nó… “giã” cho “bay màu” chỉ trong một nốt nhạc.   

Nhưng những trải nghiệm “khổ đau, chua cay” ấy đã là dĩ vãng khi Rise of the Ronin không chỉ cho phép người chơi thay đổi cấp độ khó vào mọi lúc, mọi nơi mà còn đem đến nhiều cải tiến giúp tất tần tật mọi thứ trong game “dễ thở” hơn rất nhiều.

Chẳng hạn việc “rớt” mất điểm kinh nghiệm khi nhân vật… “xanh cỏ” và phải quay trở lại điểm nạp (checkpoint) gần nhất, một yếu tố thường thấy trong hầu hết các tựa game Souls-like khiến phần lớn game thủ “lắc đầu” ngán ngẩm thì nay đã được hãng game giảm tải xuống tới mức tối thiểu.  

Cụ thể là chỉ có một loại điểm gọi là Karma, được tích nạp dần mỗi khi tiêu diệt địch thủ là bị “rớt” khi người chơi bị đánh bại còn điểm kinh nghiệm truyền thống nhận được từ phần thưởng nhiệm vụ hay các hình thức khác vẫn còn nguyên.

những trải nghiệm “khổ đau, chua cay” ấy đã là dĩ vãng khi Rise of the Ronin không chỉ cho phép người chơi thay đổi cấp độ khó vào mọi lúc, mọi nơi mà còn đem đến nhiều cải tiến giúp tất tần tật mọi thứ trong game “dễ thở” hơn rất nhiều

Kế đến, nhờ có ít nhất từ một tới hai Companion do AI của máy hoặc người chơi khác điều khiển (theo hình thức chơi mạng Co-op), đi kèm trong hầu hết các màn nhiệm vụ có thiết kế theo hình thái “tìm đường, diệt boss” tuyến tính mà nhân vật Ronin của bạn gần như chẳng bao giờ phải lo không có người… “gánh”.

Cơ bản là mỗi khi gặp những đối thủ “khó xơi” thì ta cứ phân tán sự chú ý của chúng, giảm tải mức sát thương bằng cách chuyển qua, chuyển lại giữa các nhân vật để quấy nhiễu thì đa số con nào cũng đều “tắt điện” hết cả.

Tuy thế nhưng không có nghĩa là Rise of the Ronin mất đi tính thử thách mà ngược lại, ngay ở độ khó chỉ ở mức trung bình nhưng vào cuối Chương 1 người viết cùng “đám đệ” Companion vẫn phải “ăn hành” từ một con trùm đặc biệt, dễ dàng “cày nát” cả đội hình chỉ với một chiêu combo kinh hoàng của hắn, đó là chưa kể bạn còn có thể tăng độ khó lên cao hơn rất nhiều nữa nếu lựa chọn “Solo”, đơn thương độc mã chiến đấu ngay từ đầu những màn chơi kể trên.

Có lẽ việc lên ý tưởng và phát triển Rise of the Ronin đã nhen nhóm suốt từ tận năm 2015, với mục tiêu ban đầu dành cho hệ máy PS4, nên Team Ninja chỉ kịp tinh chỉnh khía cạnh đồ họa game ở mức gọi là “nhìn được” vào thời điểm ra mắt, chứ chưa thể khai phá hết sức mạnh của cỗ máy PS5, thậm chí là còn kém rất xa nếu đem so với Ghost Of Tsushima cũng do chính Sony phát hành từ 2020. 

Minh chứng là mở đầu game cũng có phân đoạn nhân vật chính bước ra một bãi đồng cỏ lau y hệt Ghost Of Tsushima nhưng thay vì choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên đẹp như một bức tranh, thì ở đây người viết chỉ có ấn tượng phải thốt lên: sao màn hình của mình… nhiễu hột và mờ nhòe quá thể!

Đây là lỗi đồ họa gọi là “visual artifact”, thường thấy ở các tựa game có mật độ chi tiết môi trường cây cỏ cao như Horizon Forbidden West, làm giảm hiệu quả đáng kể của cơ chế khử răng cưa (anti aliasing). 

Nhưng nếu chỉ có vấn đề đó thì cũng chưa đáng nói bằng việc hiệu ứng ánh sáng hay chi tiết bề mặt vật thể của Rise of the Ronin có chất lượng hết sức… “lồi lõm”, nếu nhân vật được đặt ở những không gian hẹp như trong nhà thì cũng gọi là tạm ổn, nhưng khi bước ra thế giới bên ngoài thì có những khu vực nhìn thô sơ tới mức chả khác nào những tựa game… thời kỳ máy PS3.

Đã vậy, hiệu năng của game cũng không thật sự ổn định ngay cả ở chế độ ưu tiên hiệu năng (Prioritize FPS), thỉnh thoảng còn bị “nấc cụt” khi nhân vật di chuyển trong các thành phố lớn, còn chuyển động của các NPC thì sượng cứng, biểu cảm lại nhìn rất “giả trân”, rõ ràng là chưa thể tương xứng với chất lượng các khía cạnh còn lại của tựa game.

đồ họa game ở mức gọi là “nhìn được” vào thời điểm ra mắt, chứ chưa thể khai phá hết sức mạnh của cỗ máy PS5

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận