Persona 3 Reload là phiên bản nâng cấp của trò chơi kinh điển Persona 3, với đồ họa cải thiện và nhiều tính năng mới hấp dẫn. Trò chơi này vẫn giữ được sức hút và sâu sắc của câu chuyện, gameplay chiến đấu phong phú và hệ thống Social Link độc đáo. Điểm đáng chú ý của Persona 3 Reload chính là khả năng kết hợp giữa yếu tố RPG và mô phỏng xã hội, tạo ra trải nghiệm hấp dẫn và đầy cuốn hút.
Persona 3 Reload – Ra mắt vào 2006, Persona 3 thực sự đánh dấu một bước ngoặt vô cùng lớn cho ATLUS nói riêng và thể loại game nhập vai Nhật Bản (JRPG) nói chung.
Persona 3 là “điểm giao” rõ ràng nhất của lý thuyết dẫn dắt cốt truyện và nhịp độ tuyến tính và tập trung của dòng game Shin Megami Tensei cổ điển thông qua Persona 1 và 2, cũng như lối tiếp cận làm game mở, tươi sáng và nặng tính nhập vai đời thường hơn với Persona 4 và 5.
Persona 3 còn là “xuất phát điểm” của rất nhiều game thủ với thương hiệu Shin Megami Tensei nói chung và các phiên bản Persona nói riêng. Nói không ngoa khi bảo rằng đây là tựa game quan trọng nhất trong lịch sử ATLUS. Dẫu vậy, việc phát hành lại Persona 3 luôn là một bài toán đau đầu với hãng.
Persona 3 còn có hai phiên bản nữa là FES và Portable với những nội dung bổ sung và cải tiến so với phiên bản gốc, ví dụ như hậu truyện “The Answer” cho phiên bản FES và mạch truyện của nhân vật chính mang giới tính nữ trong Portable. Việc gộp những gói nội dung này với nhau sẽ là một bài toán đau đầu cho ATLUS, chưa kể những nỗ lực đưa các phiên bản này lên những hệ máy mới cũng vấp phải những trở ngại đáng kể khi phiên bản Persona 3 Portable vốn dĩ bản chất quá hạn chế và không dành cho nền tảng hiện đại, còn mã nguồn Persona 3 FES thì đã… thất lạc, theo lời ATLUS.
Vì những yếu tố hết sức “tréo ngoe” với một tựa game vô cùng quan trọng như vậy, ATLUSđã xắn tay áo lên làm điều mà họ chưa từng làm sau phiên bản Kyuaku Megami Tensei: đó là “tút lại” từ đầu một tựa game cũ, làm lại từ trên xuống dưới về mặt đồ họa, lối chơi và thậm chí là một số tình tết dẫn truyện cho Persona 3 với phiên bản Persona 3 Reload.
ATLUS hứa hẹn rằng phiên bản Persona 3 Reload sẽ là phiên bản tốt nhất của Persona 3, với phong cách đồ họa và lối tiếp cận cách chơi đầy hiện đại và gần với Persona 5, nhưng cốt truyện vẫn giữ nguyên tinh thần Persona 3 với hàng loạt những tương tác hoàn toàn mới.
Vậy nỗ lực đưa một tựa game kinh điển lên nền tảng hiện đại có thành công như mong đợi? Hãy cùng GameVoz xách khẩu Evoker lên, leo hàng trăm tầng Tartarus và khám phá chân tướng thật sự của Dark Hour một lần nữa với: Persona 3 Reload.
Có lẽ điểm bất ngờ nhất với Persona 3 Reload là hướng đi nghệ thuật vô cùng đặc biệt của game.
Persona 3 gốc là một game tương đối tăm tối với không khí gần như là đặc sệt bởi sự ảm đạm và “mờ ảo”, nhưng vẫn khắc họa được cuộc sống trường học đời thường có phần nhẹ nhàng và vô tư. Xét cho cùng, những cô, cậu bé của đội SEES dù mang những gánh nặng nhân sinh vô cùng lớn nhưng vẫn phải hành xử như những học sinh cấp ba bình thường.
Thế nên, việc Persona 3 Reload đi theo phong cách đồ họa tươi sáng, sắc nét và đầy những chi tiết sống động là một động thái có phần… tương đối bất ngờ với những fan của tựa game gốc, nhưng chớ vội lo, đội ngũ thiết kế nghệ thuật của ATLUS lần nữa khẳng định độ chắc tay của mình, khi dường như tất cả những điểm hạn chế về mặt hình ảnh của Persona 3 gốc đã được sửa lại kĩ lưỡng, còn những điểm mà game làm tốt còn được làm lại tốt hơn nữa.
Với bản gốc, khu vực cảng đảo Tatsumi có phần đơn giản, vắng vẻ và rời rạc, ít nhất là so với một Inaba được kết nối chặt chẽ của phần bốn và một Tokyo đầy nhộn nhịp của phần năm. Tận dụng công nghệ hiện đại, Persona 3 Reload đã thổi thêm hồn vào những khu vực kinh điển này bằng cách thêm thắt vô cùng nhiều những chi tiết nhỏ nhưng đầy sức sống. Những trung tâm mua sắm Pawlonia, ga Iwatodai,… vốn hiu quạnh giờ đây nô nức người tụ họp, mua sắm, ăn uống và nói chuyện.
Lối tiếp cận đồ họa tươi sáng còn làm bật lên những tấm áp phích, các mẩu giấy, những cử động nhỏ của người đi đường. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất lại đến từ việc họ tung hứng những mảng màu xám-xanh khéo léo để toát lên một vẻ đẹp dù sáng sủa và năng động, vẫn có chút ảm đạm và lạnh lùng.
Nhưng khi màn đêm buông xuống và giờ thứ 25 đã điểm, Cảng Đảo Tatsumi chìm trong một hiện tượng kì lạ có tên “Dark Hour”, khi mà tất cả những người đang sống hóa thành… một chiếc quan tài đầy hắc ám và những sinh vật kì lạ mang tên Shadow bắt đầu hoành hành – và ở chính giữa mọc lên một tòa tháp mang tên Tartarus, uốn éo và dị dạng như một cái gai đầy bệnh hoạn. Sở dĩ Persona 3 trở nên đáng nhớ như vậy với rất nhiều người là bởi vì những hình ảnh đầy ghê rợn đó, và với phiên bản Persona 3 Reload, ATLUS giờ đây còn khiến cho những hình ảnh nêu trên để lại ấn tượng mạnh hơn nữa.
Gam màu xanh lục ảm đạm và kì dị tương phản hoàn hảo với vẻ đẹp tươi sáng của thế giới vào ban ngày, những đám khói đen đỏ len lỏi ra từ chân của những chiếc quan tài tạo nên một không khí đầy điềm gở, và những vệt máu loang lổ trên mặt đất càng khiến cho sự kì dị của Dark Hour càng trở nên đáng sợ hơn nữa. Nhưng với việc người chơi chỉ được khám phá cảng đảo Tatsumi “sơ sơ” mỗi khi đi giết trùm vào mỗi đêm trăng rằm, ngôi sao thực sự của Dark Hour ở đây chính là tòa tháp Tartarus dị dạng.
Camera không còn bám theo người chơi bằng một góc kì quặc nữa, mà giờ đây cho phép người chơi xoay camera 360 độ để chiêm ngưỡng toàn bộ những chi tiết mới đầy sáng tạo mà ATLUS đã bỏ vào Tartarus, như những lối đi biến hình ở khối 1, những máy móc lỉnh kỉnh của khối 4, và một bữa tiệc hình ảnh đầy… hoa mắt chóng mặt ở khối 6 – Tartarus dù thiếu đi cái chất “riêng” với từng mạch truyện như các hầm ngục (dungeon) tuyệt đẹp của phần 4 và 5, nhưng lại trở thành một “ngôi sao” riêng thông qua những cải tiến và nâng cấp về mặt hình ảnh mà đội ngũ ATLUS dày công bỏ ra để hé lộ chân tướng thật sự của công trình kì lạ này.
Phong cách nghệ thuật đặc trung mỗi tầng như nhấn mạnh bản chất vừa kì dị, vừa hiểm ác của nơi này, như nhắc người chơi về mục đích chiến đấu thật sự của các nhân vật, và tại sao hiện tượng Dark Hour lại là một mối nguy với nhân loại.
Tuy nhiên, môi trường game không phải là điểm duy nhất được “nâng mặt” đáng kể trong phiên bản làm lại này. Tất cả các chân dung nhân vật trong game, từ thành viên của SEES đến những nhân vật phụ nhỏ nhất đều được vẽ lại cho sắc nét hơn và đẹp mắt hơn. Dù thiếu đi những biểu cảm nhất định như khuôn mặt thất vọng của Fuuka hay hình ảnh hầu gái của Fukari, những thay đổi này vẫn khiến cho biểu cảm nhân vật trong đối thoại được rõ ràng hơn, với những chi tiết nhỏ bộc lộ được rất nhiều cảm xúc.
ATLUS thậm chí còn thêm một số chân dung nhân vật mới hoàn toàn so với bản gốc, như nhân vật Maya giờ đây không còn là một giọng nói vô hình nữa, mà thay vào đó là một nhân vật Heroine trong Shin Megami Tensei I với kiểu tóc của Maya Amano trong Persona 2 – một món quà tri ân dù nhỏ nhưng đầy giá trị với những “fan cứng” của thương hiệu, hoặc chú chó Koromaru cũng được thêm rất nhiều biểu cảm vô cùng đáng yêu.
Đội hình SEES còn được “ưu ái” hơn khi được tặng những bộ đồng phục mới với những chi tiết nhỏ cho họ “chiến” hơn, như túi đựng tên của Yukari hay bao kiếm của Junpei được gắn trên lưng, chiếc áo choàng nhỏ và tai nghe của Fuuka hay bộ giáp ôm eo của Mitsuru. Ngay cả chú chó Kokomaru cũng được tặng một chiếc túi sơ cứu trên lưng vô cùng đáng yêu. Bộ chiến phục mới của SEES đẹp mắt và ngầu tới mức người viết không hề “thay đồ” cho nhân vật dù đã “mở khóa” hết trang phục của các nhân vật thông qua hai lần chơi.
Nhưng những thay đổi đáng kể nêu trên còn được thể hiện qua mô hình 3D của nhân vật. Không còn những nhân vật chibi mờ căm của Persona 3 gốc, giờ đây các mô hình nhân vật giống với trong Persona 5 và Shin Megami Tensei 5 – cao hơn, chi tiết hơn và sắc nét hơn.
Các diễn hoạt trong chiến đấu cũng được chăm chút tỉ mỉ, để cho những bộ kĩ năng hay tương tác đặc thù của nhân vật trong chiến đấu giờ đây vô cùng hoành tráng và đẹp mắt, đặc biệt là các diễn hoạt của nhân vật khi đánh chí mạng, kĩ năng Theurgy hoặc đặc biệt nhất là khi dứt điểm kẻ thù bằng một đòn đánh tổng lực (all-out attack).
Với phong cách nghệ thuật đặc biệt của Persona 3 được cải tiến và nâng cấp đáng kể như vậy, Persona 3 Reload tái hiện những khoảnh khắc kinh điển của Persona 3 bằng nhân vật và môi trường 3D… còn đẹp hơn những đoạn cắt cảnh 2D ở trong bản gốc.
Thực tế thì Persona 3 Reload vẫn có những đoạn cắt cảnh anime 2D, nhưng chúng chỉ đơn giản là “làm nền” cho môi trường 3D tuyệt đẹp của game.
Phần âm thanh còn là một điểm sáng vô cùng đáng kể khác của Persona 3 Reload. Nhiều nhân vật giờ đây được thay diễn viên lồng tiếng ở bản tiếng Anh và tiếng Nhật để bộc lộ chuẩn xác hơn cảm xúc nhân vật, đặc biệt là nhân vật Akihiko Sanada ở bản tiếng Anh.
Những bản soundtrack vô cùng đáng nhớ của Persona 3 như “Want To Be Close”, “Mass Destruction” cũng được nâng cao chất lượng âm thanh, hoặc thậm chí là “pha chế” (remix) lại ở một số địa điểm nhất định. Bổ sung rõ ràng nhất có thể là bài hát mở đầu đây cảm xúc “Full Moon – Full Life” với sự góp giọng trở lại của Rapper Lotus Juice sau một thời gian dài vắng bóng khỏi thương hiệu Persona.
Persona 3 Reload tái hiện những khoảnh khắc kinh điển của Persona 3 bằng nhân vật và môi trường 3D… còn đẹp hơn những đoạn cắt cảnh 2D ở trong bản gốc
Về mặt cấu trúc game, Persona 3 Reload không có quá nhiều sự thay đổi với người tiền nhiệm. Sau một màn mở đầu tương đối dài hơi, người chơi sẽ được tự do đóng vai một cậu học sinh bình thường vào ban ngày, sinh hoạt học bài hoặc ra ngoài chơi vào ban đêm hoặc thám hiểm Tartarus. Người chơi có thể tự do thám hiểm tòa Tartarus vào buổi tối hầu hết tất cả những ngày trong tuần, nhưng vì lý do cốt truyện nên một số nhân vật sẽ không có khả năng thám hiểm vào những ngày nhất định và điều đó sẽ giới hạn lựa chọn của người chơi khi tham chiến ở Tartarus.
Về mặt cơ chế chiến đấu, “Công thức” Persona một lần nữa được chăm chút chỉn chu và cải tiến so với người tiền nhiệm Persona 5, trên nền tảng của Persona 3 gốc. Game giữ nguyên bộ kĩ năng của nhân vật, kẻ thù và dàn Persona của cả nhân vật chính và các thành viên SEES (không tính gói DLC).
Các cơ chế quen thuộc khác với dòng game Persona cũng đều xuất hiện ở phiên bản Persona 3 Reload lần này: đánh điểm yếu để lấy thêm lượt thông qua cơ chế 1 More, tinh chỉnh kĩ năng thông qua cơ chế Fusion – kết hợp 2 Persona để tạo ra những Persona mới theo ý muốn, và những Persona đặc biệt quyền năng chỉ có thể thu thập được thông qua Advanced Fusion từ 3 Persona trở lên.
Thông qua tương tác với các thành viên còn lại và tịnh tiến cốt truyện, người chơi có thể “đánh thức” tiềm năng của những thành viên còn lại của SEES và mở khóa một Persona hoàn toàn mới cho họ, với chỉ số được nâng cấp.
Mỗi “khối” của Tartarus sẽ được gác bởi một số con trùm khó nhằn bất kì, và người chơi sẽ được thưởng trang bị và trang phục đặc biệt mỗi khi diệt trùm và leo đến tầng kho báu.
Chiều sâu trong lối chơi của Persona 3 mang lại là miễn bàn, vì trải nghiệm lần mò Tartarus vẫn lôi cuốn như ngày nào, và những trận đấu trùm vào mỗi đêm trăng rằm nhìn chung đều có chất lượng tương đối ổn định. Nhưng với việc lối chơi chiến đấu trong Persona 3 gốc là một phiên bản tóm lược của các phiên bản Shin Megami Tensei trước đó, và cũng là đơn giản nhất trong… cả 5 tựa game Persona (chắc hẳn nhiều tay chơi gạo cội còn ám ảnh với việc Marakarm trong Persona 2 có khả năng phản cả sát thương “chuẩn” Almighty). Nhưng khi mà bản gốc “bù” thiếu sót bằng độ khó, thì bản Persona 3 Reload “bù” bằng những cơ chế hết sức thú vị.
Trước hết là Theurgy, đây là những kĩ năng tối thượng đầy sức mạnh gần giống như Magatsuhi trong Shin Megami Tensei V. Những kĩ năng này sử dụng không tốn máu hay mana, mà thông qua việc “sạc” thanh Theurgy trong quá trình chơi bằng cách ra đòn hoặc tung kĩ năng. Với nhân vật chính, các kĩ năng Theurgy này là “xào lại” cơ chế Fusion Spell đầy quyền năng trong bản gốc, nhưng tự do và linh động hơn.
Các thành viên của SEES cũng được “cấp” cho một (hoặc hai trong trường hợp của Koromaru) kĩ năng Theurgy đầy sức mạnh với hiệu ứng hình ảnh đẹp mắt, củng cố hơn vai trò cụ thể của từng thành viên.
Bên cạnh mò Tartarus và đánh trùm, nhân vật chính còn có thể làm nhiệm vụ của Elizabeth để mở khóa những phần thưởng nhất định như vật phẩm hồi máu, thẻ kĩ năng hoặc thậm chí là quần áo, trang bị.
Thỉnh thoảng, người chơi còn có thể mở khóa được những trang bị và trang phục đặc biệt quyền năng thông qua làm những nhiệm vụ cho Elizabeth như tìm vật phẩm, kết hợp Persona hay những sidequest khá dài hơi và thú vị.
Một bổ sung nữa của Persona 3 Reload là sự thay thế Monad Block bằng những cánh của Monad Door thần bí, với mỗi con tiểu trùm chặn gác những kho báu đặc biệt dùng cho việc chế tạo vũ khí. Thi thoảng, người chơi còn sẽ bắt gặp những Monad Passage ẩn chứa những kho báu vô cùng ấn tượng như trang phục, trang bị và nguyên liệu chế tác vũ khí, nhưng với những con trùm đặc biệt khó nhằn.
Không dừng lại ở đó, Persona 3 Reload còn mang lại thêm những cải tiến đặc biệt khiến cho trải nghiệm chơi còn “sâu” và “đã” hơn nữa như Persona Gift, Combat Characteristics, sự áp dụng của cơ chế Baton Pass trong Persona 5,…
Những bổ sung và cải tiến này không thôi vốn sẽ làm cho việc tiêu diệt Shadow trong Persona 3 Reload trở nên vô cùng mượt và lôi cuốn, nhưng đội ngũ họa sĩ của ATLUS tiếp tục “tung chiêu” ở cả phần này, với một giao diện chiến đấu đầy phong cách và tuyệt đẹp.
Những lựa chọn nghệ thuật bùng nổ và hết sức sáng tạo như hình bóng của nhân vật chuyển qua 2D khi họ lựa kỹ năng, nhấn mạnh diễn hoạt dí súng vào đầu, những diễn hoạt tự tin và lưu loát khi họ “trao lượt” cho nhau, những giao diện “dứt điểm” tuyệt đẹp biểu lộ rõ cá tính của từng nhân vật. ATLUS lần nữa tự “vượt lên chính mình” khi biến một trải nghiệm nhập vai theo lượt “thuần túy” trở nên mượt và đẹp mắt đến khó tin như vậy thông qua sự kết hợp hài hòa và đầy điểm nhấn của diễn hoạt nhân vật và giao diện.
khi mà bản gốc “bù” thiếu sót bằng độ khó, thì bản Persona 3 Reload “bù” bằng những cơ chế hết sức thú vị
Giao diện khiến các cơ chế chiến đấu đẹp mắt hơn đã đành, các trình đơn (menu) đơn giản như lưu game, kiểm tra trạng thái nhân vật, kiểm tra trạng thái mối quan hệ cũng đẹp mê hồn, khiến cho người viết cứ “lạc” mãi vào chúng không chán.
Một thảm họa bí ẩn đã xảy ra cách đây 10 năm trước tại cảng đảo Tatsumi, cướp đi sinh mạng của cha mẹ nhân vật chính. Cậu bé năm nào nay đã trở thành một chàng thiếu niên 16 tuổi, và quay lại nơi thảm kịch trước kia để đi học tại trường trung học Gekkoukan. Cảng đảo Tatsumi bị “ám” bởi một hiện tượng kì lạ có tên Dark Hour, và nạn nhân của hiện tượng này bị những sinh vật kì lạ có tên Shadow “hút hồn”, biến họ thành những người bị “triệu chứng vô cảm”.
Nhân vật chính cùng Fuuka, Mitsuru, Akihiko, Yukari, Junpei, Ken, Koromaru, Shinjiro và thầy Ikutsuki – dưới danh nghĩa của biệt đội SEES – cùng nhau ngăn chặn loài Shadow, tìm ra chân tướng sự thật của Dark Hour và chấm dứt hiện tượng hiểm ác này mãi mãi.
Bên cạnh cốt truyện chính, người chơi có thể khám phá những câu chuyện bên lề bằng cách gặp và tương tác với các Social Link rải rác khắp game vào những mốc thời gian nhất định trong ngày. Không chỉ mang những câu chuyện đặc sắc, những social link này còn tương ứng với một Arcana trong bộ bài Tarot, và việc hoàn thành một mốc nào đó trong Social Link còn ban cho người chơi thêm kinh nghiệm khi tạo ra những Persona mới tương ứng với Arcana đó.
Phiên bản Persona 3 Reload còn thêm những tương tác nhất định với các thành viên trong SEES. Các tương tác này không chỉ “mở khóa” những kĩ năng quan trọng cho các thành viên tương ứng, mà còn kể cho người chơi thêm về từng nhân vật một, tạo ra một bức tranh toàn cảnh và sâu sắc hơn cho các nhân vật này.
Nhưng điểm sáng nhất của câu chuyện game kể vẫn luôn là cốt truyện chính.
Cốt truyện chính của Persona 3 gốc gần như được giữ nguyên trong bản Persona 3 Reload, với một số tình tiết nhất định được mở rộng hoặc tinh giản để trải nghiệm dẫn truyện được mượt hơn.
Những thay đổi này có thể không đáng kể, nhưng việc được trải nghiệm lại câu chuyện xuất sắc của Persona 3 với một nền đồ họa đẹp mắt hơn, với những đoạn cắt cảnh 3D đầy chi tiết.
Persona 3 Reload kể lại câu chuyện đó bằng những công cụ tốt hơn, hiện đại hơn, để những xúc cảm năm nào giờ đây còn sâu lắng hơn nữa
Một số tình tiết cốt truyện nhất định cũng được khéo léo kể lại bằng giao diện và phối cảnh sáng tạo để muôn vàn những khoảnh khắc xúc động mà game mang lại được sâu sắc hơn.
Persona 3 kể một câu chuyện sâu sắc và đầy cảm xúc cách đây 20 năm, và phiên bản Persona 3 Reload kể lại câu chuyện đó bằng những công cụ tốt hơn, hiện đại hơn, để những xúc cảm năm nào giờ đây còn sâu lắng hơn nữa.
Nếu không tính “The Answer” của Persona 3 FES hay mạch truyện của nhân vật nữ chính trong Persona 3 Portable, thì phiên bản Persona 3 Reload chính là phiên bản tốt nhất để người chơi trải nghiệm “The Journey” vào lúc này.
Tất nhiên, Persona 3 Reload vẫn có những “hạt sạn” nho nhỏ cuối cùng cần cải thiện để khiến trải nghiệm chơi trọn vẹn hơn.
Với việc phần ba là phần đầu tiên cơ chế Social Link được áp dụng, nên rất nhiều Social Link có chất lượng tương đối… tệ, đặc biệt là Social Link của Suemitsu và Tanaka. ATLUS đã chứng tỏ rằng họ không quá cứng nhắc trong việc kể lại câu chuyện của Persona 3 bằng những bổ sung, thay đổi trong cốt truyện gốc, cũng như việc sửa chữa những yếu tố lỗi thời như những trò đùa phân biệt người chuyển giới. Nhưng những Social Link “tệ” nhất của game vẫn không được thay đổi chút nào là một thiếu sót có phần đáng kể.
Điểm trừ thứ hai là không phải thay đổi nào của ATLUS cũng khiến cho game trở nên tốt hơn. Như việc biến kí túc xá thành một nơi… quá trong sáng khiến địa điểm này có phần quá giả tạo, hoặc cách một số con trùm được bố trí làm giảm đi sự đáng sợ của chúng như con trùm Lovers.
những Social Link “tệ” nhất của game vẫn không được thay đổi chút nào là một thiếu sót có phần đáng kể