Final Fantasy VII Rebirth: Đánh Giá và Nhận xét về Game nhập vai với đồ họa cùng cốt truyện phiên bản mới

0
84

Final Fantasy VII Rebirth là trò chơi nhập vai đỉnh cao với đồ họa ấn tượng và cốt truyện gốc được tái hiện hoàn hảo. Đứng đầu bảng xếp hạng về sự hùng vĩ và kịch tính, đây là trải nghiệm không thể bỏ qua cho các fan của series Final Fantasy.

Final Fantasy VII Rebirth – “The reunion at hand may bring joy. It may bring fear. But let us embrace whatever it brings”

Đó là một câu trong đoạn trailer đầu tiên của Final Fantasy VII Remake. Có thể hiểu rằng đây là lời của Sephiroth nói về Reunion, nhưng cũng có thể chính là lời của… Square Enix nói với người hâm mộ rằng: Final Fantasy VII Remake có thể mang tới hạnh phúc hoặc nỗi sợ.

Quả thực, sau khi Final Fantasy VII Remake kết thúc, mặc dù được khen ngợi hết lời và đạt điểm số cao ngất, nhưng nhiều người vẫn khá hoang mang với những định hướng mới trong lối chơi và cốt truyện.

Bản thân người viết cũng vậy, vừa cảm thấy hạnh phúc vì Final Fantasy VII cuối cùng cũng đã được làm lại một cách tử tế, vừa cảm thấy… sợ hãi với những khả năng sẽ xảy đến. Lỡ đâu Square Enix sẽ phá hỏng Final Fantasy VII bằng một thứ hầm bà lằng nào đó trong các phần sau? Lỡ đâu tựa game sẽ mất hết tính “game”, mà chỉ là một bộ phim dài dằng dặc và có thể, có kết thúc… dở ẹt so với nguyên bản?

Final Fantasy VII Rebirth là niềm vui hay sẽ là nỗi sợ của những người hâm mộ sau 4 năm chờ đợi kể từ Final Fantasy VII Remake?

Hãy cùng GameVoz tìm hiểu trò chơi qua bài đánh giá sau, bạn nhé.

“The Unknown Journey Continues…”

Đó là những dòng chữ cuối cùng của Final Fantasy VII Remake. Nếu như các bạn đã chơi qua phần này – và thực sự các bạn nên chơi trước khi đắm chìm vào Final Fantasy VII Rebirth – thì ở kết cục, Cloud và đồng bọn đã đánh bại kẻ canh giữ số phận, và một cách thần kỳ nào đó, chúng ta lại thấy Zack còn sống và dìu Cloud về một Midgar hoàn toàn khác.

Kết thúc Final Fantasy VII Remake, người viết, và chắc chắn rất nhiều độc giả khác, sẽ tự hỏi chuyện quái quỷ gì đang diễn ra vậy? Sao nó lại thành ra như thế này? Final Fantasy VII Rebirth chính là câu trả lời, là mảnh ghép tiếp theo của câu chuyện mới, nhưng tựa game này đồng thời cũng đặt ra nhiều câu hỏi mới hơn là nó giải đáp.

Final Fantasy VII Rebirth bắt đầu ngay tại thời điểm bản Remake kết thúc, theo chân Cloud và đồng bọn khi họ mới chạy thoát ra khỏi Midgar và chuẩn bị trên đường tới Kalm, một thị trấn nhỏ gần Midgar. Xuyên suốt Final Fantasy VII Rebirth, đối với những người đã chơi Final Fantasy VII, họ sẽ được gặp lại những nhân vật quen thuộc, những địa điểm thân quen, và cốt truyện thoạt nhìn có vẻ bám theo rất sát Final Fantasy VII... cho tới khi những biến cố xảy ra, và mọi thứ bị đảo lộn!!

Thật vậy, người viết vô cùng muốn diễn tả cốt truyện cho độc giả, tuy nhiên để giữ mức độ “spoiler” ở mức tối thiểu, người viết sẽ chỉ tóm gọn lại rằng: kể cả khi bạn đang bước chân trên những cung đường quen thuộc, chứng kiến lại những mạch truyện đã “nằm lòng”, thì Final Fantasy VII Rebirth lại đưa vào một vài phân cảnh dường như phá tan mọi hiểu biết của bạn về thế giới của Final Fantasy VII, và khiến cho bạn không thể rời khỏi màn hình, mong mỏi được chứng kiến phân cảnh tiếp theo.

Thoạt nhìn, Final Fantasy VII Rebirth bám khá sát cốt truyện gốc, nhưng cùng lúc đó, tựa game khẳng định đây không phải là một bản làm lại sao chép một-một, mà đầy ắp những cú “bẻ lái” bất ngờ, mở ra những khả năng hoàn toàn mới.

Khi Remake ra mắt, thực tế nhiều người đã phàn nàn rằng có quá nhiều khúc truyện bị kéo giãn không cần thiết, vì thực tế Midgar trong Final Fantasy VII gốc chỉ kéo dài có vài giờ. Final Fantasy VII Rebirth không gặp vấn đề như vậy (mặc dù vẫn có vấn đề theo kiểu khác mà người viết sẽ đề cập sau), với nhịp truyện đều tay, súc tích, không có những màn kéo giãn vô lý, “câu giờ”, và có thể khiến người viết ngồi hàng giờ theo dõi mạch truyện không ngừng nghỉ.

Không chỉ vậy, nhờ vào đồ họa tối tân, những phân cảnh kinh điển của Final Fantasy VII đã được tái hiện trong bản hai một cách hoàn mỹ, và vẫn gây đầy cảm xúc hỗn loạn trong lòng người chơi như ngày nào.

Final Fantasy VII Rebirth bám khá sát cốt truyện gốc, nhưng cùng lúc đó, tựa game khẳng định đây không phải là một bản làm lại sao chép một-một, mà đầy ắp những cú “bẻ lái” bất ngờ, mở ra những khả năng hoàn toàn mới

Một khía cạnh mà Final Fantasy VII Rebirth đã làm rất tốt, đó là việc phát triển các tuyến nhân vật. Cloud, Tifa, Aerith, Barrett, Red XIII, Cait Sith, Cid, tính cách mỗi người đều được tô điểm sắc nét trong phiên bản làm lại này, và sự tương tác giữa đội ngũ của chúng ta là hết sức tự nhiên.

Thậm chí cả cô bé Yuffie, người chỉ là nhân vật “optional” (phụ) trong bản gốc, cũng trở nên đầy cá tính và được khắc họa chi tiết. Hầu như chương nào cũng có những khoảnh khắc mới giữa những nhân vật nhằm tô đậm thêm tính cách và mối quan hệ giữa các nhân vật, khiến cho dàn nhân vật trở nên sinh động và có hồn hơn bao giờ hết.

Chính nhờ vậy, mà trong suốt thời lượng hơn 80 giờ chơi của mình, người viết rất nhiều lần bật cười với những khoảnh khắc vô cùng hài hước của các nhân vật, và cũng không ít lần quặng đau vì những diễn biến bất ngờ và nặng nề của Final Fantasy VII Rebirth.

Nói tóm lại, sự cuốn hút của mạch truyện Final Fantasy VII Rebirth đảm bảo sẽ làm hài lòng cả người chơi mới và những người chơi kỳ cựu đã từng chơi Final Fantasy VII – dẫu sao thì Final Fantasy VII nguyên bản vốn có một cốt truyện kinh điển trong làng game rồi.

Tất nhiên, người viết phải nhấn mạnh vào “sự cuốn hút”, vì thực tế chắc chắn sẽ có nhiều người không hài lòng với những định hướng mà Final Fantasy VII Rebirth đang nhắm đến. Người viết thấy định hướng mới này không hề tệ, và giờ đây bản thân mong mỏi phần cuối của bộ ba tái bản này hơn bao giờ hết.

27 năm về trước, Square Enix, thời bấy giờ là Squaresoft, không có nhiều công nghệ lắm. Không có Unreal Engine, không có máy tính siêu mạnh, không có màn hình 4K, thế nhưng họ đã làm nên một tựa game mang tính cách mạng khi chuyển nhân vật 2D thành 3D.

Khi nhìn lại Cloud Strife của 27 năm về trước với đôi mắt của hiện đại, chúng ta có thể cười vì những khối hình góc cạnh, nhưng người viết nhớ khi lần đầu được chạm tay vào Final Fantasy VII gần 20 năm trước, bộ não của người viết đã tự động “điền vào chỗ trống”, tưởng tượng ra một anh chàng Cloud Strife từ bản nháp thô sơ trên màn hình, tưởng tượng ra những phân cảnh hành động như các thước phim chân thực, mặc dù tất cả chỉ là những khối hình đa giác xù xì.

Người viết nhớ mãi khi Final Fantasy VII Remake được công bố ở E3 2015, có một đoạn video “reaction” của kênh GameTrailers đã gây ấn tượng với giới game thủ toàn cầu. Trong đoạn video này, ký giả Kyle Bosman khi nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của Midgar đã thốt lên: “Lũ điên này! Midgar trông giống hệt thế này!” và trèo lên ghế như một đứa trẻ phấn khích – và đó cũng là tâm trạng của người viết, và chắc chắn là của bao thế hệ từng chơi Final Fantasy VII.

Và còn gì tuyệt vời hơn khi những hình ảnh tuổi thơ đó đã được hiện thực hoá một cách kỹ lưỡng và chân thật trong Final Fantasy VII Rebirth – từng phân cảnh, từng thành phố, thị trấn nhỏ, từng chi tiết trong cốt truyện đều được tái hiện lại như từ trong trí tưởng tượng mong manh của mỗi người chơi.

Kalm – thị trấn nhỏ bé, yên bình nhưng tràn ngập sức sống.

Junon – thành phố với khẩu súng kỳ vĩ.

Costa del Sol – khu nghỉ dưỡng bên bờ biển.

Nibelheim – với thác nước tâm tình của Tifa và Cloud.

Thậm chí cả trang trại Chocobo cũng được tái hiện một cách sinh động, chi tiết và đẹp đẽ, tất cả không khỏi làm người viết “ồ” lên thích thú mỗi khi được tới thăm một địa danh nằm sâu trong ký ức.

Không chỉ những thành phố, Final Fantasy VII Rebirth còn mở rộng những vùng đất trên từng vùng – khiến tựa game “gần như” trở thành một game thế giới mở. Xưa kia, với công nghệ có hạn, khi di chuyển giữa thành phố này tới thành phố kia, người chơi chỉ có thể đi trên những thảm cỏ xanh lét phẳng lỳ vô vị, thi thoảng gặp vài con quái vật đánh mấy nhát cho vui.

Giờ đây, mỗi vùng của Final Fantasy VII Rebirth đều có hệ sinh thái riêng, đầy ắp những địa điểm, những hoạt động, nhiệm vụ phụ mà người chơi có thể làm, và khám phá những vùng đất này có thể tốn hàng chục giờ chơi. Cụ thể hơn, người chơi có thể tìm kiếm những tháp thông tin rải rác khắp nơi, săn kho báu protorelic, những miệng giếng lifestream, những con quái vật đặc biệt, ngôi nhà nấm của Moogle, thậm chí là… bắt Chocobo, v.v.

Những ngọn núi cao vút, các hang động kỳ thú, những thác nước hùng vĩ đều được tái hiện một cách hoàng tráng và đẹp đẽ, khơi gợi lên một niềm hân hoan khám phá, vọc vạch, thăm thú của mỗi người chơi.

mỗi vùng của Final Fantasy VII Rebirth đều có hệ sinh thái riêng, đầy ắp những địa điểm, những hoạt động, nhiệm vụ phụ mà người chơi có thể làm, và khám phá những vùng đất này có thể tốn hàng chục giờ chơi

Người viết nhớ đã dành tới… 9 giờ quanh quẩn ở vùng Nibelheim chỉ để khám phá những dấu chấm than kỳ lạ trên bản đồ trước khi tiếp tục cốt truyện, chỉ vì việc cưỡi Chocobo bay lượn đã có tính gây nghiện cực kỳ rồi!

Những thành phố của Final Fantasy VII Rebirth cũng đầy ắp những nhiệm vụ phụ hấp dẫn. Những nhiệm vụ này tương đối đa dạng về cả mạch truyện và lối chơi, nhưng quan trọng hơn hết, những nhiệm vụ này sẽ khiến chúng ta hiểu sâu hơn vào nội tâm dàn nhân vật của Final Fantasy VII Rebirth.

Tựu chung lại, Final Fantasy VII Rebirth đem đến cho chúng ta những địa danh tuổi thơ được tái hiện một cách hoàn chỉnh, kèm với đó là một thế giới rộng lớn, sinh động, đầy ắp những hoạt động để chúng ta có thể tự do khám phá và đắm chìm.

Final Fantasy VII Rebirth có cơ chế chiến đấu cơ bản giống với Final Fantasy VII Remake. Người chơi điều khiển nhân vật trong thời gian thực, né đòn và tấn công để làm đầy thanh ATB. Sau đó, người chơi có thể sử dụng thanh ATB này để thực hiện các hành động đặc thù.

Những hành động này có thể là những kỹ năng đi kèm với vũ khí, hoặc là phép thuật, hoặc sử dụng vật phẩm, v.v.

Cũng như Final Fantasy VII Remake, mặc dù rõ ràng là chiến đấu hành động thời gian thực, Final Fantasy VII Rebirth đem lại cho chúng ta một cảm giác chiến thuật rất rõ ràng. Khi nào dùng vật phẩm? Khi nào dùng chiêu Infinity’s End? Khi nào phải Assess? Khi nào né đòn được? Điểm yếu của đối thủ là gì?

Final Fantasy VII Rebirth còn đem lại nhiều cải tiến hấp dẫn mới như hệ thống Synergy Ability và Synergy Skill, đều được “mở khóa” thông qua Folio, một hệ thống nhìn như Sphere Grid của Final Fantasy X.

Synergy Skill là những kĩ năng kết hợp khi người chơi phòng thủ, nếu căn đúng thời gian thì có thể làm đầy thanh ATB nhanh chóng. Sau đó, khi người chơi thực hiện các hành động sử dụng ATB, thì sẽ làm tăng một điểm Synergy Ability, và khi hai nhân vật có đủ điểm Synergy Ability có thể kết hợp cùng nhau để “xả” một đòn tấn công vỗ mặt vào kẻ địch.

Synergy Ability không chỉ gây sát thương, mà chúng khiến cho chiến đấu trở nên biến hoá và đa dạng hơn. Ví dụ, United Refocus sẽ khiến hai nhân vật phân chia lại thanh ATB, độ dài vẫn thế nhưng cắt thành ba đoạn, giúp chúng ta có thể thực hiện được nhiều hành động hơn. Trong khi đó, Firework Blade (synergy của Cloud và Aerith) khiến cho Limit Break của cả hai tăng thêm một bậc sức mạnh.

Với sự tăng cường nhân vật chơi được từ 4 lên tới 7 người, Final Fantasy VII Rebirth đem lại một sự biến hoá vô cùng lớn đối với mỗi trận chiến, giúp người chơi tha hồ tuỳ chỉnh đội ngũ, folio, materia phù hợp. Kết hợp với yếu tố chiến thuật cao, khiến cho chiến đấu của Final Fantasy VII Rebirth trở nên vô cùng cuốn hút và hấp dẫn – và cũng tương đối thử thách.

Final Fantasy VII Rebirth đem lại một sự biến hoá vô cùng lớn đối với mỗi trận chiến, giúp người chơi tha hồ tuỳ chỉnh đội ngũ, folio, materia phù hợp

Đáng nói, đối với những ai đã từng kinh qua Final Fantasy VII gốc, Final Fantasy VII Rebirth làm rất tốt trong việc chuyển hoá những cơ chế cũ sang cơ chế mới. Chẳng hạn như Terror of the Deep, một con thủy quái ở Junon, trong bản gốc cũng có kĩ năng “nhốt” nhân vật vào bóng nước yêu cầu người chơi phải phá bóng nước bằng pháp thuật.

Mặc dù có thể nhỏ nhặt, nhưng những chi tiết này khiến cho những người hâm mộ kỳ cựu của Final Fantasy VII như người viết phải thấy thán phục!

Khi ra mắt vào năm ngoái, một trong những phàn nàn lớn nhất về Final Fantasy XVI là việc thiếu vắng những minigame. Sẽ khá là đáng buồn nếu Final Fantasy VII Rebirth theo “trend” này, vì Final Fantasy VII nguyên bản vốn có nhiều minigame tới nỗi nhiều người cho rằng trò chơi tốn tận 3 đĩa là vì… minigame.

Thật may mắn, Final Fantasy VII Rebirth còn làm tốt hơn cả vậy, thậm chí là người viết còn cảm thấy… quá nhiều! Những minigame thân quen gắn liền với cốt truyện đều được tái hiện lại đầy đủ với cơ chế tân tiến và hiện đại: cuộc diễu hành ở Junon, đường ray ở núi Corel, v.v. hầu như protorelic nào cũng gắn liền với một minigame nào đó, và – nơi huy hoàng nhất, thủ phủ của minigame – Gold Saucer, cũng được “tái sinh” một cách hoàn chỉnh nhất.

Quả thực, người viết đã cảm thấy choáng ngợp khi đặt chân tới Gold Saucer trong Final Fantasy VII gốc, và còn cảm thấy choáng ngợp hơn khi đặt chân tới khu vui chơi “không có màn đêm” này trong Final Fantasy VII Rebirth. Tất cả những minigame hay nhất của Final Fantasy VII đều tập hợp: đua Chocobo, đua xe, Battle Square… và còn hơn thế nữa. Phân cảnh hẹn hò trên chiếc đu quay cũng xuất hiện – và chắc chắn bạn sẽ không muốn bỏ lỡ phân cảnh này với cô nàng mình để ý (hoặc Red XIII, trong trường hợp đó… gu của bạn thật tệ!)

Thực tế không phải minigame nào cũng hay (lạy hồn Fort Condor! – NV) hay đoạn cốt truyện nào nhồi minigame vào cũng tốt (như phân đoạn bạn cầm Cait Sith vậy), tuy nhiên lượng minigame đồ sộ này sẽ làm hài lòng rất nhiều game thủ và cuốn đi hàng giờ chơi game của bạn mà bản thân không hề hay biết.

chỉ riêng thông qua lượng minigame cực “khủng”, Final Fantasy VII Rebirth đã khẳng định mình là truyền nhân xứng đáng của Final Fantasy VII

Và cuối cùng, các bạn chắc hẳn nhớ “Triple Triad” từ Final Fantasy VIII chứ? Quên “Triple Triad” đi, “Queen’s Blood” của Final Fantasy VII Rebirth giờ sẽ là tương lai của minigame thẻ bài Final Fantasy!! Quả thực, chơi “Queen’s Blood” cuốn tới mức việc đầu tiên người viết làm khi đặt chân tới những thành phố mới là săn lùng ngay những tay “bài thủ” để giành lấy các lá bài mới.

Luật chơi của “Queen’s Blood” khá đơn giản: người chơi đối đầu nhau trên một bàn cờ 5×3, luân phiên đặt những lá bài vào các ô này. Tuy nhiên, mỗi lá bài đều có một yêu cầu về “rank”, ô phải đủ “rank” mới đặt được lá bài vào.

Mỗi lá bài có số điểm và hiệu ứng khác nhau, có thể là tăng rank của các ô kế cận, có thể là phá hủy một lá bài đối phương. Khi hai người chơi không ai đặt thêm được bài nữa thì sẽ tính điểm trên 3 làn, nếu bên nào có điểm cao hơn trên 1 làn thì sẽ ẵm trọn điểm của làn đó, tổng 3 làn bên nào cao hơn thì thắng.

Thoạt đầu trò chơi khá đơn giản, tuy nhiên càng về sau khi những lá bài có hiệu ứng cực “quái” được đưa vào, thì các trận chiến trở nên cam go khốc liệt hơn rất nhiều, và người chơi hoàn toàn có thể tự hình thành một lối chơi riêng cho mình thông qua những lá bài.

Chẳng hạn, người viết ban đầu nghĩ ra chiến thuật “power mid”, nghĩa là tấn công làn giữa một cách chóng vánh, không để cho địch thủ có không gian triển khai quân thông qua các lá bài có khả năng mở rộng địa bàn 3 hướng. Tuy nhiên, sau này game lại đưa vào cơ chế “đè” bài, một vài lá có thể đè trực tiếp lên lá khác chứ không cần địa bàn nữa, thế là chiến thuật “power mid” thất bại thê thảm, người viết lại phải đổi chiến thuật mới.

Nói thật, Square Enix nên làm một tựa game Queen’s Blood độc lập như Gwent (CD Projekt RED), chắc chắn là sẽ bán chạy hơn trò chơi “bị nguyền rủa” Forspoken.

Tóm lại, chỉ riêng thông qua lượng minigame cực “khủng”, Final Fantasy VII Rebirth đã khẳng định mình là truyền nhân xứng đáng của Final Fantasy VII.

🎵 I won’t say that it was fate! I won’t say that it was destiny! 🎵

Thật khó để bàn về một Final Fantasy mà không thể nhắc tới phần âm nhạc, và Final Fantasy VII Rebirth, nói ngắn gọn, không làm cho chúng ta thất vọng!

Những bản nhạc huyền thoại của nhà soạn nhạc Nobuo Uematsu quay trở lại, với những âm hưởng mới, đi kèm với đó là những bản nhạc mới toanh khá đa dạng, từ J-pop, cho tới các bản giao hưởng du dương.

Người viết để ý thậm chí còn có những bản nhạc đặc thù cho các nhiệm vụ phụ, như nhiệm vụ dắt chó thì có bản nhạc… gâu gâu, còn nhiệm vụ biến thành ếch sẽ có bản nhạc… ộp ộp, đem lại những phút giây vô cùng sảng khoái.

Thật khó để bàn về một Final Fantasy mà không thể nhắc tới phần âm nhạc, và Final Fantasy VII Rebirth, nói ngắn gọn, không làm cho chúng ta thất vọng!

Một đổi mới khác trong Final Fantasy VII Rebirth là âm nhạc chiến đấu trên các vùng đất mở là “dynamic”, nghĩa là bản nhạc trong trạng thái chiến đấu sẽ giống với bản nhạc khi không trong chiến đấu, chỉ là “ngầu” hơn. Điều này tạo nên một cảm giác trôi chảy và mượt mà khi khám phá thế giới, thay vì phải nghe “teo teo teo tèo teo téo teo tèo téo teo” mỗi 10 giây, rất dễ gây nhàm chán và đứt quãng.

Và như hầu hết các game Final Fantasy khác, Final Fantasy VII Rebirth cũng có một ca khúc “trấn phái” – No Promises To Keep – một ca khúc thể hiện được tất cả những gì tinh túy của Nobuo Uematsu, khơi gợi những cảm xúc dạt dào trong lòng mỗi người chơi.

Ngoài ra, chất lượng lồng tiếng (tiếng Nhật) cũng là tương đối tốt, biểu đạt được cảm xúc nhân vật một cách rõ ràng.

Final Fantasy VII Rebirth có hai chế độ: Performance mode hướng tới trải nghiệm 60 FPS, và Graphics mode, hướng tới trải nghiệm 4K 30 FPS. Người viết sử dụng màn hình 2K để đánh giá, và chọn Performance mode để trải nghiệm game ở 60 FPS.

Game vẫn rất đẹp, tuy nhiên chất lượng đồ họa có giảm đáng kể, với nhiều đường vân vật thể rất mờ, và đặc biệt khi trèo lên đỉnh núi và phóng tầm mắt ra xa, mọi thứ cứ như trải qua một bộ lọc làm mờ của kính ảnh vậy.

Có những đường vân chất lượng thấp rất rõ ràng “đập” vào mặt người chơi khi đi qua những khu vực đông đúc như Kalm, điều này có thể làm phật lòng nhiều người chơi. Ít nhất thì game cũng giữ mức độ 60 FPS rất ổn định, khiến việc chiến đấu trở nên rất đã tay!

Khi người viết chuyển sang chế độ Graphics để trải nghiệm, có lẽ do không quen hoặc màn hình bé nên cảm giác game rất giật, chậm, và hơi khó chơi một chút. Đối với những người ưa thích hành động nhanh và tốc độ mà không cần màn hình 4K, có lẽ chế độ Performance là phù hợp nhất.

Về ánh sáng, nhìn chung game có chất lượng khá tốt, tuy nhiên ở đôi chỗ có phần khá kỳ lạ và… đáng sợ, đặc biệt ở những nơi có ánh sáng hắt từ trên xuống, hoặc những nơi thiếu sáng như mấy hầm mỏ hoặc hang động. Những đoạn này không xuất hiện quá nhiều, tuy nhiên có thể sẽ gây cảm giác khó chịu cho nhiều người.

Về ánh sáng, nhìn chung game có chất lượng khá tốt, tuy nhiên ở đôi chỗ có phần khá kỳ lạ và… đáng sợ, đặc biệt ở những nơi có ánh sáng hắt từ trên xuống, hoặc những nơi thiếu sáng

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận