Đánh giá về trò chơi Broken Roads

0
42

Broken Roads là một trò chơi nhập vai độc đáo kết hợp yếu tố chiến đấu và hành động với cốt truyện phong phú. Với đồ họa đẹp mắt và lối chơi đa dạng, trò chơi hứa hẹn mang lại trải nghiệm đầy hấp dẫn và thú vị cho người chơi.

Broken Roads – Thật khó để gói gọn tầm ảnh hưởng của thương hiệu Fallout lên thể loại game nhập vai nói chung và văn hóa đại chúng nói riêng chỉ qua vài câu chữ. Nước Mỹ hậu tận thế và một thế giới mãi mãi kẹt ở những năm năm mươi của thế kỷ hai mươi đã tạo nên một “gọng kìm” rắn chắc với thể loại game nhập vai hậu tận thế, hậu chiến tranh hạt nhân xuyên suốt 30 năm qua.

Những hoang mạc bất tận, những bầy người hoang dại và điên rồ, những xã hội kiên trì và bất khuất sống còn giữa thế giới đổ nát. Những hình ảnh này của thương hiệu Fallout giờ đây trở nên bất hủ, đặc biệt là những sản phẩm Fallout đến từ bờ Tây nước Mỹ như Fallout 1, 2, New Vegas và mới đây nhất là loạt phim dài tập Fallout do Amazon sản xuất.

Nhưng một sự thật thú vị mà nhiều fan Fallout có thể đã bỏ qua, là những bình nguyên khô cằn xứ California hay hoang mạc Mojave khắc nghiệt mang ít nhiều ảnh hưởng từ một thương hiệu hậu tận thế khác, là Mad Max.

Cũng dễ hiểu thôi, những hoang mạc bất tận ẩn chứa những sinh vật cùng cư dân hoang dã, kỳ lạ của xứ Australia, cũng như sự điên rồ đến kinh hoàng của Mad Max đã ảnh hưởng rất nhiều tới những hình ảnh ấn tượng nhất của thương hiệu Fallout nói riêng và thể loại game nhập vai hậu tận thế nói chung.

Thế nhưng, bối cảnh hoang dại của xứ Australia vẫn chưa được các nhà làm game thực sự ưu ái, khi mà thế giới hậu chiến tranh hạt nhân đã trải dài từ Đông Âu, Nhật Bản đến Bắc Mỹ. Hiểu điều này, hãng game độc lập Drop Bear Bytes đã tạo nên “Fallout nước Úc” của riêng mình với Broken Roads, một tựa game với bối cảnh mơ ước của rất nhiều người hâm mộ thể loại game nhập vai hậu tận thế.

Vậy nước Úc hoang dại của Broken Roads có thể sánh ngang được với những Wasteland hay Fallout? Hãy cùng GameVoz xách boomerang và mồi Kangaroo lên để tìm ra chân tướng sự thật qua bài đánh giá sau đây, bạn nhé!

Bất cứ ai từng đặt chân tới vùng thiên nhiên hoang dã của Australia chắc cũng đã phải thán phục vẻ đẹp đặc biệt của vùng đất này. Những sa-van xen kẽ các cây xanh kỳ lạ độc nhất tại nước Úc như cây khuynh diệp, hoa Mimosa hay cây Thiên Môn nước Úc tô điểm cảnh quan một cách trù phú và đa dạng, và đội ngũ Drop Bear Bytes đã làm rất tốt trong việc mang những hình ảnh đặc sắc của nước Úc lên game.

Broken Roads mang góc nhìn 120 độ từ trên xuống mang nhiều điểm tương đồng với các tựa game Fallout gốc và những game CRPG gần đây như Pillars of Eternity hay Tyranny, nhưng game cũng mang trên mình một sự linh động nhất định trong cách các mô hình nhân vật, cũng như bối cảnh được sắp xếp để tạo cảm giác 3D nổi bật và sống động hơn các tựa game kể trên.

Điều này kết hợp với lối đồ họa cel-shading tuyệt đẹp và vô cùng tỉ mỉ đã làm cho đất nước Australia hậu tận thế nổi bật lên theo một cách vô cùng độc đáo, mỗi khung hình như một bức tranh đầy chi tiết, mà khi người chơi càng nhìn gần, càng tương tác với nó thì nó càng trở nên sống động và nổi bật. Từ những mái lợp tôn gỉ sét, các xác tàu đổ nát, hoang mạc đất đỏ rợp bóng Khuynh diệp, tất cả những vẻ đẹp “thương hiệu” của Australia được tái hiện một cách rất riêng và giàu sự trau chuốt.

Những địa điểm trong game cũng có những sự đa dạng nhất định chứ không “kẹt” mãi ở các vùng hoang mạc xa xăm. Điểm nhẹ quanh game là những thị trấn mộc mạc với cơ sở hạ tầng cũ nát, hay vô số thành phố lớn bị bỏ hoang hoặc bị tàn phá bởi quả bom nguyên tử.

Có lẽ, điểm mạnh nhất của Broken Roads chính là sự linh động và đa dạng trong khoản thiết kế hình ảnh khi hãng Drop Bear Bytes đã mang được cái hồn, cái vía của xứ Australia lên game bằng cách khéo léo kết hợp những phương pháp sẵn có để tạo cảm giác rất riêng cho game mình.

điểm mạnh nhất của Broken Roads chính là sự linh động và đa dạng trong khoản thiết kế hình ảnh khi hãng Drop Bear Bytes đã mang được cái hồn, cái vía của xứ Australia lên game

Nhưng cái hồn, cái vía của nước Úc trong Broken Roads không chỉ dừng lại ở phần hình ảnh, mà còn âm thanh nữa!

Từ những tiếng gió thổi, đất cát dưới chân xào xạc, không có gì “Úc” hơn việc một đám người sương gió bụi bặm… “chửi thề” bằng tiếng Anh-Úc rặt, Broken Roads chứa đựng nhiều thổ âm nước Úc tới mức mà game phải có hẳn một phần giải nghĩa cho người chơi những thổ âm quái lạ hay những trò đùa vốn riêng người Úc mới hiểu như “Drop Bear” hay “Ripper”.

Tất cả những cuộc đối thoại đậm chất Úc này còn được lồng tiếng một cách đầy ấn tượng, đến nỗi một số cuộc đối thoại thậm chí còn… không nghe được vì giọng Úc của các nhân vật nặng quá.

Lối tiếp cận hình – âm – đối thoại vô cùng kỹ lưỡng này khiến cho nước Úc hậu tận thế của Broken Roads trở nên ấn tượng và sống động hơn bao giờ hết

Tuy nhiên, bối cảnh nước Úc hậu tận thế là điểm duy nhất mà Drop Bear Bytes đã thực sự làm tốt trong tựa game của mình, hai “trụ cột” quan trọng còn lại của game là dẫn truyện và lối chơi, thì Broken Roads lại… ngã nhào.

Trước hết, về các cơ chế chiến đấu trong Broken Roads. Mặc dù không chiếm nhiều thời lượng game, thì các cơ chế chiến đấu chắc hẳn sẽ để lại một ấn tượng… rất xấu với người chơi.

Các giao diện chiến đấu rất cơ bản và thiếu nhiều tính năng quan trọng khiến cho những cơ chế tưởng chừng như… sơ đẳng như khóa mục tiêu trở nên hết sức khó khăn, khi kẻ thù bị ẩn đi bởi địa hình, đứng quá gần nhau hay quá gần tổ đội của người chơi, màn hình trang bị và kĩ năng cũng được áp dụng hết sức sơ sài, khiến cho những hành động như đổi trang bị nhanh hoặc kiểm tra trang bị trước hoặc trong khi tham chiến trở nên hết sức cồng kềnh.

Chiến đấu đã khó, cách thiết kế kẻ thù của Broken Roads lại càng khiến cho cơ chế chiến đấu của game đáng quên hơn. Mặc dù có một lượng kẻ thù khá đa dạng, từ quái vật tới thổ phỉ và… pháp sư (?), nhưng tất cả những kẻ thù này đều lao đến tấn công người chơi theo một kiểu duy nhất: rượt đuổi người chơi theo một cách vô cùng… mất não và dễ đoán.

Sự “nửa vời” của game còn được mở rộng ra câu chuyện và cách kể chuyện của game.

Được quảng cáo là có một hệ thống “đạo đức” rất thú vị, đặt người chơi vào bốn phạm trù đạo đức rất rõ ràng là Machiavellian (chủ nghĩa xảo quyệt), Utilitarian (chủ nghĩa vị lợi), Nihilist (chủ nghĩa hư vô) và Humanist (chủ nghĩa nhân đạo). Đầu game người chơi sẽ được đưa một bảng câu hỏi để “đặt” kim đồng hồ vào một trong bốn phạm trù kể trên, và xuyên suốt quá trình chơi người chơi có thể “vặn” kim đồng hồ theo ý mình thông qua các lựa chọn đạo đức và đối thoại, nhưng một số khoảnh khắc nhất định thì các nhân vật trong game sẽ đánh giá trực tiếp nhân sinh quan của người chơi vào thời điểm đó, từ đó cung cấp các tình tiết hoặc lựa chọn cốt truyện đặc thù cho mỗi phạm trù đạo đức riêng.

Đây là một hệ thống tưởng chừng rất thú vị, nhưng trên thực tế lại vô cùng gò bó và nửa vời. Các chủ đề cao siêu và đạo đức và triết học được game áp dụng một cách vô cùng hời hợt thông qua các lựa chọn đạo đức gần như là… hiển nhiên.

Có cảm giác game rất muốn “đu” theo Disco Elysium thông qua những khái niệm trừu tượng như vậy, nhưng khi mà Disco Elysium thành công trong việc trực quan hóa những khái niệm nhận thức vô cùng khó xơi, để dẫn tới những mạch truyện hoàn toàn tách biệt, thì Broken Roads chỉ gói gọn đạo đức con người trong 4 phạm trù, chỉ khác nhau trong những tương tác đơn giản và những câu thoại có phần hiển nhiên.

Mạch truyện chính của game cũng vô cùng sơ sài và thiếu đi sức nặng. Đầu game, người chơi lưu lạc đến một thị trấn nhỏ tên Brockton, sau đó thị trấn này bị tấn công và thiêu trụi, và giờ đây người chơi phải tìm kiếm viện trợ, cũng như lật tẩy âm mưu hiểm ác đằng sau vụ tấn công tàn bạo. Mạch truyện này tưởng chừng như quen thuộc với người hâm mộ thể loại hậu tận thế, nhưng Drop Bear Bytes đã thất bại ngay từ khâu đầu tiên: cho nhân vật chính một động lực đáng tin để hoàn thành câu chuyện.

Nhân vật chính của chúng ta chỉ lưu lạc tới thị trấn này, nói chuyện một chút với người dân mà đã sẵn sàng du ngoạn khắp hoang mạc nước Úc để trả thù cho thị trấn ư? Những người bạn đồng hành của nhân vật chính – các cư dân của thị trấn Brockton vốn đã mất tất cả và giờ đây cùng người chơi đi khôi phục quê hương của họ – cũng vô cùng nhạt nhòa khi tất cả họ…. đều không có lời thoại nào sau khi rời khỏi Brockton.

Tất nhiên, game vẫn có những môi trường và nhiệm vụ phụ đủ thú vị rải rác đâu đây như chiến đấu với bầy Kangaroo khát máu hay thâm nhập một xã hội… toàn triết gia, nhưng chúng không thể sánh ngang với các nhiệm vụ thực sự thú vị từ các thương hiệu như Fallout hay Wasteland, và việc chúng quá thưa thớt và rải rác khiến cho nội dung của Broken Roads càng sơ sài và đáng quên hơn nữa.

hai “trụ cột” quan trọng còn lại của game là dẫn truyện và lối chơi, thì Broken Roads lại… ngã nhào

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận