Last Epoch là một tựa game nhập vai hấp dẫn với đồ họa tuyệt vời và hệ thống gameplay sâu sắc. Với cốt truyện phức tạp và các hệ thống chiến đấu đa dạng, đây chắc chắn là một lựa chọn lý tưởng cho những game thủ đam mê thể loại RPG.
Last Epoch – Mỗi khi nhắc đến thể loại Nhập vai Hành động (Action RPG, hay ARPG), chắc hẳn, trong đầu mọi game thủ đều nhanh chóng “nhảy số” và nghĩ về Diablo – “ông hoàng” của dòng game này.
Thành công của thương hiệu này đã tạo tiền đề cho rất nhiều tựa game tương tự được ra đời, dù vậy, chẳng mấy game đủ sức nóng để tạo thành nên thương hiệu của riêng mình và có thể tồn tại được lâu dài.
Thế nhưng, đế chế Diablo đã và đang dần lung lay kể từ sau màn công bố Diablo Immortal như một “gáo nước lạnh” vào mặt người hâm mộ.
Tưởng như Activision Blizzard sẽ chuộc lại lỗi lầm khi Diablo IV sở hữu điểm số cao “ngất ngưởng” lúc mới ra mắt, trò chơi lại nhanh chóng lộ ra điểm yếu với phần nội dung “endgame” (kết thúc) nghèo nàn, không như mong đợi của game thủ.
Vẫn lại bài toán cũ: Khi một Diablo IV chưa mang nhiều giá trị chơi lại, người chơi sẽ còn những lựa chọn nào khác? Path of Exile quá khó để tiếp cận, Path of Exile 2 tuy hứa hẹn nhưng lại chưa ấn định ngày ra mắt, còn Diablo Immortal, Undecember hay Torchlight: Infinite thì… thôi, chẳng phải ví ai cũng dày để trụ nổi với chúng!
Trong lúc giới mộ điệu vẫn còn đang “thèm khát” một làn gió mới, thì việc Eleventh Hour Games tung ra bản giới thiệu về cơ chế trao đổi vật phẩm của Last Epoch đồng thời ấn định ngày ra mắt chính thức đã khiến cho mọi ánh mắt đổ dồn vào tựa game này.
Vậy, liệu Eleventh Hour Games có tạo nên sự bất ngờ cho game thủ?
Liệu Last Epoch có làm nên kỳ tích và “gãi” đúng chỗ ngứa mà những tựa ARPG khác đang không làm được?
Last Epoch giới thiệu đến người chơi 5 lớp nhân vật cơ bản: Sentinel, Mage, Primalist, Acolyte và Rogue.
Mỗi lớp nhân vật sở hữu cho mình một bảng kỹ năng bị động (Passive Tree) để có thể tùy biến mỗi khi lên cấp. Kỹ năng chủ động sẽ được “mở khóa” khi bạn đạt cấp độ nhất định hoặc khi bạn đã nâng cấp đủ số điểm yêu cầu trong bảng bị động, và bạn sẽ cần sử dụng Mana để thi triển chúng.
Dẫu không có điểm gì mới mẻ trong những giây phút đầu bước vào trò chơi, đó lại trở thành “bàn đạp” hoàn hảo của Last Epoch để dần giới thiệu sâu vào cơ chế tùy biến của game.
Sau khi lĩnh hội được khả năng tiến cấp, bạn sẽ được chọn một trong ba hướng chức nghiệp cao cấp (Master Class). Mỗi hướng sẽ mở ra một bảng bị động mới, cùng với một kỹ năng độc quyền.
Tuy không có khả năng độc quyền, bạn vẫn có thể nâng điểm vào bảng bị động của hai chức nghiệp còn lại, tuy nhiên, số lượng điểm có thể nâng được sẽ hạn chế hơn.
Không chỉ thế, hãng phát triển còn làm cả bảng bị động… cho kỹ năng chủ động thông qua hệ thống Specialization.
Bạn sẽ được phép chọn tối đa 5 kỹ năng để đưa vào hệ thống này, từ đó mở ra thêm nhiều lựa chọn tùy biến để bạn thỏa thích “theorycraft” và tạo ra một hết sức nhân vật “bá đạo”. Kỹ năng được bỏ vào Specialization sẽ có cấp độ riêng, mỗi khi lên cấp, chúng sẽ cho bạn điểm để nâng cấp thêm.
Tuy cơ chế này không thật sự hầm hố như Path of Exile hay Wolcen: Lords of Mayhem, nhưng lại cực kỳ dễ tiếp cận và vẫn mang lại đủ độ sâu cho game.
Để đẩy mạnh việc “thí nghiệm” xây dựng nhân vật, Last Epoch mở khóa rất nhiều kỹ năng chủ động từ sớm để bạn có thể thử và xem mình phù hợp với kỹ năng nào nhất. Nếu như bạn “lỡ tay” nâng sai điểm trong bảng bị động? Chỉ với một chút vàng bỏ ra, bạn hoàn toàn có thể hoàn lại điểm hết sức thoải mái!
Các kỹ năng trong Specialization cũng có thể được thay đổi một cách dễ dàng, tuy nhiên, bạn sẽ phải “cày” lại đôi chút để nâng cấp lại chúng. Điều này vẫn tốt hơn là phải cày lại cả một nhân vật mới, nhỉ?
Dẫu không có điểm gì mới mẻ trong những giây phút đầu bước vào trò chơi, đó lại trở thành “bàn đạp” hoàn hảo của Last Epoch để dần giới thiệu sâu vào cơ chế tùy biến của game
Một trong những tính năng thật sự tạo nên điểm nhấn cho Last Epoch, với người viết có lẽ là hệ thống trang bị và cách để nâng cấp chúng.
Như bao tựa game ARPG khác, mỗi trang bị khi thu thập sẽ có số lượng chỉ số khác nhau. Người chơi có thể thay đổi chỉ số hoặc cường hóa chúng phù hợp với nhu cầu của người chơi. Mức độ cường hóa của từng trang bị sẽ phụ thuộc vào Điểm tiềm năng chế tác (Forging Potential) mà chúng sở hữu.
Thậm chí, bạn còn có thể “hô biến” một trang bị thường thành một trang bị đặc biệt nếu sở hữu nguyên liệu phù hợp!
Đây là một cơ chế cực kỳ hấp dẫn, dễ dàng “kích thích” bạn cày cuốc và thu thập thật nhiều nguyên liệu cho việc này.
Phần hoạt động cuối game chủ yếu xoay quanh Monolith of Fate, nôm là “dòng thời gian” độc lập mà bạn sẽ cần phải cày bừa (Như Rift trong Diablo 3, hay Maps trong Path of Exile) để đạt cấp tối đa. Hiện tại, có tổng cộng 10 Monolith, mỗi dòng thời gian sẽ có nhiều bản đồ nhỏ bên trong để bạn chinh phục.
Sở hữu nhiều phần thưởng khác nhau, song, việc thu thập Phước lành (Blessing) mỗi khi hoàn thành Monolith vẫn là điểm quan trọng nhất trong đây, bởi chúng mang lại rất nhiều chỉ số quan trọng cho nhân vật của bạn.
Monolith of Fate sở hữu các bản đồ tương đối nhỏ và có mật độ quái khá dày, bạn sẽ chỉ tốn khoảng 2-3 phút để hoàn thành. Bạn còn có thể dịch chuyển nhanh để chuyển giữa mỗi Monolith.
Gần như mọi thời gian dư thừa dành cho việc di chuyển đều được hãng phát triển cắt giảm, giúp cho quá trình “farm đồ, lên cấp” trở nên cực kỳ thoải mái.
Vào gần cuối phần chiến dịch, Last Epoch còn cho phép bạn lựa chọn tham gia vào phe phái, bao gồm Merchant’s Guild và Circle Of Fortune.
Merchant’s Guild cho phép bạn mở ra cơ chế buôn bán và trao đổi đồ giữa các người chơi.
Điểm nhấn có lẽ nằm ở Circle Of Fortune, khi hỗ trợ bạn trong việc tăng tỉ lệ rớt vật phẩm, cũng như chọn Prophecy và hoàn thành chúng để nhận được loại trang bị bạn mong muốn.
Cơ chế này khiến cho việc “cày cuốc” trở nên dễ thở hơn cực nhiều, đặc biệt cho những ai thích chơi một mình, hoặc chơi ngoại tuyến. Đúng, bạn không đọc nhầm đâu, Last Epoch hỗ trợ người chơi chơi ngoại tuyến “như một tựa game offline bình thường”!
Cuối cùng, kho đồ được làm hết sức tuyệt vời! Bạn có thể có bao nhiêu bảng chứa đồ tùy thích chỉ với một lượng vàng nhỏ. Bạn còn có thể đặt tên, ghi màu và nhóm chúng theo mong muốn của bạn. Hoàn toàn miễn phí và hết sức dễ dàng!
Gần như mọi thời gian dư thừa dành cho việc di chuyển đều được hãng phát triển cắt giảm, giúp cho quá trình “farm đồ, lên cấp” trở nên cực kỳ thoải mái
Tuy sở hữu nhiều tiềm năng để trở thành “đối thủ nặng ký” cho những cái tên lớn trong hạng mục, Last Epoch thật sự đang vướng phải một số lỗ hổng thiết kế và cân bằng một cách trầm trọng.
Đầu tiên, lớp chức nghiệp cấp cao được ra mắt sau (cụ thể là Falconeer và Warlock, hay trước đó là Runemaster) hiện đang sở hữu sức mạnh vượt trội hơn hẳn so với “đàn anh” của mình.
Mặc cho những chức nghiệp khác cũng vui và thú vị, thật sự không có nhiều người chơi chúng chỉ vì số lượng sát thương và phòng thủ của chúng không đủ để vượt qua những phần nội dung khó hơn (Monolith Corruption 200 trở lên), mà có vượt quá thì cũng… “thở dốc” lên xuống!
Ví dụ, Ward là một cơ chế phòng thủ trong Last Epoch, tương tự như “máu ảo”, vốn rất hữu dụng trong việc giúp những nhân vật dùng phép có thể sinh tồn. Thế nhưng, Runemaster với Rune of Disintegration có thể dễ dàng sở hữu 160 Ward mỗi giây khi dùng kỹ năng Disintegration, trong khi Sorcerer thì chỉ được vỏn vẹn… 5 Ward mỗi giây.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của Merchant’s Guild và hệ thống mua bán vật phẩm không thật sự tạo ra nhiều lợi ích cho bạn, trừ khi bạn “cày” lên hạng rất cao để có thể trao đổi được những vật phẩm cao cấp.
Điều này trái ngược hoàn toàn với những lợi ích mà Circle of Fortune ngay lập tức mang lại từ những giây phút đầu gia nhập, chúng khiến cho người viết cảm thấy việc tham gia trao đổi buôn bán không thật sự phù hợp dành cho những ai chỉ chơi một đến hai nhân vật mỗi mùa.
Việc tìm kiếm vật phẩm trong Merchant’s Guild cũng khá rườm rà và thiếu chi tiết, chẳng hạn nếu như bạn muốn tìm một món đồ có dòng và chỉ số phù hợp với mong muốn của mình thì cực kỳ khó khăn, bởi một số dòng còn… chả nằm trong danh sách tùy chỉnh!
Có lẽ, những bậc hạng đầu tiên cho Merchant’s Guild sẽ cần được thêm vào một số lợi ích nhất định để có thể làm đối trọng với Circle of Fortune.
Last Epoch thật sự đang vướng phải một số lỗ hổng thiết kế và cân bằng một cách trầm trọng
Dù sở hữu trong mình lối chơi cực cuốn, vẫn còn đó những hạt “sạn” trong Last Epoch sẽ khiến cho người chơi không thật sự thỏa mãn.
Điều chí mạng nhất phải kể đến đó chính là cái kết… cụt ngủn đầy khó hiểu.
Bước vào trò chơi, bạn lập tức bị cuốn vào cuộc chiến xuyên thời không giữa các vị thần của Eterra, trải dài qua hàng ngàn năm. Ban đầu, nhiệm vụ của bạn là thu thập đủ ba mảnh Kỷ Nguyên (Epoch) và bảo vệ chúng khỏi tay những kẻ xấu đang có ý định lợi dụng nguồn sức mạnh này.
Dần dần, cốt truyện lộ ra một sức mạnh còn kinh khủng hơn đang hăm he đánh chiếm thế giới này, và bạn sẽ là người ngăn chặn việc này xảy ra.
Trái ngược với bối cảnh hết sức “đao to búa lớn” của mình, lối dẫn chuyện của Last Epoch… cực kỳ thô và thiếu cảm xúc! Các đoạn hội thoại của nhân vật được viết hết sức sơ sài, liên tục làm người chơi “ngợp” trước những thuật ngữ và sự kiện mới mà không thể nào nắm bắt kịp.
Tới đây, chắc hẳn đa phần người chơi sẽ chọn việc bỏ qua nội dung mà nhanh chóng bước vào công cuộc “chạy map” cuối game.
Nếu như bạn “nghiến răng chịu đựng” đọc qua từng chương nội dung, chắc hẳn bạn sẽ thấy những chương cuối của Last Epoch rất thú vị khi việc người chơi phải bay nhảy liên tục giữa các dòng thời gian để thay đổi tương lai là có lý do của nó.
Vậy mà, cho đến khi người chơi đã có được manh mối để chấm dứt hiểm họa diệt vong của thế giới thì… cốt truyện lại kết thúc ngang hông để giới thiệu cho “Monolith of Fate”.
Dẫu biết chẳng có mấy ai chơi game ARPG vì nội dung cả, thế nhưng, và việc kết thúc lửng lơ như vậy sẽ khiến cho nhiều người chơi có phần hụt hẫng.
Phần hình ảnh của trò chơi cũng không thật sự nổi bật, tuy đồ họa nhìn đẹp, bóng bẩy và có màu sắc, thế nhưng từ thiết kế nhân vật cho đến kẻ địch đều không có bất kỳ điểm nhấn nào của riêng mình.
Các khu vực trong game đều cảm giác như chúng… không thật sự liên kết với nhau, kể cả khi bạn chỉ di chuyển giữa các khu vực trong cùng một kỷ nguyên. Thậm chí, trong cùng một khu vực, đôi khi kẻ địch và NPC trông như đang đến từ hai trò chơi khác nhau, không hề có tính nhất quán trong thiết kế.
Phần âm thanh thật sự cũng khá đơn điệu, âm thanh kỹ năng, âm thanh khi đánh trùm, kể cả âm thanh khi rớt vật phẩm, chúng đều không mang lại cảm giác “wow” cho người chơi.
Bên cạnh vấn đề cân bằng, đây có lẽ là những thứ sẽ cần được cải thiện nhiều để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người chơi.
…vẫn còn đó những hạt “sạn” trong Last Epoch sẽ khiến cho người chơi không thật sự thỏa mãn