Suicide Squad: Kill the Justice League là tựa game hành động độc đáo, nơi bạn sẽ vào vai nhóm tội phạm nổi tiếng cùng hợp tác để đối đầu với những siêu anh hùng nổi tiếng của DC. Với đồ họa đỉnh cao và gameplay sáng tạo, trải nghiệm game sẽ đưa bạn vào một thế giới siêu việt đầy thách thức và kịch tính.
Suicide Squad: Kill the Justice League – Có thể thấy sức hút của các vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng trên màn ảnh rộng gần đây ngày càng sụt giảm.
Kể từ sau “cú hit” của bộ phim Avengers: Endgame từ năm 2019, hàng loạt quả “bom xịt” đến từ cả ba ông lớn Marvel, DC và Sony, lần lượt mang về doanh thu thê thảm tại phòng vé cùng nhiều bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, có thể kể đến vài cái tên tiêu biểu như Morbius, The Marvels hay Shazam! Fury of the Gods.
Thậm chí ngay thời điểm viết bài này thì tựa phim Madame Web vừa công chiếu tại Việt Nam còn được giới mê phim gán cho danh xưng: “tựa phim siêu anh hùng… tệ hại nhất mọi thời đại”.
Ở khía cạnh khác, các game khai thác đề tài này cũng có số phận long đong không kém với nhiều “tai ương” liên tục ập đến trong thời gian ngắn. Ngoài anh chàng “Nhện nhọ” trong Marvel’s Spider-Man 2 còn giữ vững được phong độ thì các ấn phẩm về những đội nhóm siêu anh hùng đình đám khác như Marvel’s Avengers hay Marvel’s Guardians of the Galaxy đều thất bại “te tua” tới mức phải… đóng cửa (trường hợp của Marvel’s Avengers).
Lúc này người hâm mộ thật sự rất trông chờ vào “bàn tay cứu cánh” của hãng phát triển Rocksteady Studios, cha đẻ loạt game “tượng đài” lừng lẫy một thời Batman: Arkham với sản phẩm tiếp theo của họ về “Biệt đội cảm tử” mang tên Suicide Squad: Kill the Justice League.
Đương nhiên đây là thử thách không hề nhỏ khi công ty mẹ Warner Bros. Games của hãng này cũng vừa dính “phốt” năm 2022 với “bom tạ” Gotham Knights và bản thân Suicide Squad: Kill the Justice League thì cũng có… “điềm xấu” khi vừa mới công bố trailer cách chơi đầu tiên thì đã hứng chịu “cơn mưa gạch đá” từ cộng đồng mạng và phải… dời ngày phát hành dài hạn để “đại tu”.
Vậy hãy cùng GameVoz theo chân bốn thành viên Task Force X xem họ thực sự có “siêu năng lực” dập tan mọi hoài nghi, vực dậy niềm tin của fan hâm mộ dành cho Warner Bros. Games nói riêng và dòng game siêu anh hùng nói chung hay không nhé.
Suicide Squad: Kill the Justice League lấy bối cảnh tại thành phố Metropolis hoang tàn trước cuộc xâm lược của thế lực ngoài hành tinh cầm đầu bởi tên trùm Brainiac. Lúc này ngoại trừ nữ chiến binh Wonder Woman, toàn bộ các siêu anh hùng trong Liên minh chính nghĩa Justice League đều bị Brainiac tẩy não, quy phục và trở thành tay sai đắc lực cho hắn.
Trong thời khắc nguy nan, Giám đốc Amanda Waller đứng đầu tổ chức chính phủ A.R.G.U.S. đã đi đến một quyết định “vô tiền khoáng hậu”: phóng thích bốn ác nhân bị giam giữ tại nhà giam Arkham, tập hợp thành biệt đội mang tên Task Force X để nhen nhóm tia hy vọng giải cứu cho nhân loại.
Bốn cái tên được Amanda “chọn mặt gửi vàng” chính là Deadshot, Harley Quinn, Boomerang và King Shark, những siêu ác nhân “lập dị” với sở trường, tính cách và năng lực chả… ăn nhập gì nhau giờ bỗng dưng đóng vai anh hùng và cùng đứng chung một chiến tuyến!
Mối liên kết khiên cưỡng tưởng chừng như “lệch pha” này lại chính là gia vị tạo nên sức hút và điểm nhấn xuyên suốt diễn tiến của tựa game, với cao trào là các phân đoạn đối đầu cam go giữa Task Force X với Justice League.
Dù kịch bản mang đậm tính giễu nhại (parody) nhưng Suicide Squad: Kill the Justice League vẫn ghi điểm từ chất lượng diễn xuất (animation) và lồng tiếng (voice action) đỉnh cao, từ thần thái, biểu cảm cho tới khẩu hình miệng mỗi nhân vật đều được hãng game chăm chút, tái hiện một cách tự nhiên và chân thật nhất.
Không ít lần người viết đã “cười té ghế” sau những màn “tấu hài” pha trò châm biếm của Boomerang, những lần bà Amanda phải nổi đóa vì bị cả đám “trôn” (troll) theo kiểu “mồm nhanh hơn não” hay những lời thoại ngờ nghệch nhưng hài hước và dí dỏm của King Shark.
Khâu thiết kế tạo hình (model) của Rocksteady cũng xứng đáng nhận được lời khen với diện mạo dàn “kép” chính bắt mắt, ấn tượng và khắc họa đúng bản chất “ngổ ngáo” của họ trong các bộ truyện tranh comic.
Dù kịch bản mang đậm tính giễu nhại (parody) nhưng Suicide Squad: Kill the Justice League vẫn ghi điểm từ chất lượng diễn xuất (animation) và lồng tiếng (voice action) đỉnh cao
Xin thú thật là chính bản thân người viết cũng đã từng ngờ vực quyết định của Rocksteady khi xây dựng lối chơi Suicide Squad: Kill the Justice League thành một game bắn súng góc nhìn thứ ba, có hệ thống “loot” đồ (shooter looter) tương tự The Division của Ubisoft thay vì vận dụng và phát triển tiếp cơ chế đánh đấm cận chiến “sướng tay, đã mắt” của Người Dơi trong loạt game Batman: Arkham trước đây.
Hãy tưởng tượng việc gã Boomerang với cá mập King Shark mà đi cầm… súng trường với shotgun để chiến đấu, thì rõ ràng là bạn nghe chả “lọt tai” tí nào cả đúng không!
Nhưng nếu ta… tạm gác lỗ hổng “logic” đó sang một bên thì về cốt lõi Suicide Squad: Kill the Justice League có hệ thống chiến đấu tương tối thú vị và đặc sắc!
Vung gậy “đập phá” với Harley Quinn, “cào cấu, cắn xé” với King Shark hay bắn tỉa mục tiêu từ tận trời cao với Deadshot, quả thật không có nhiều tựa game mà được thỏa sức “nghịch ngợm” khi vào vai những thế lực phản diện, phản anh hùng (anti-hero) từ đầu cho đến cuối như vậy.
Người chơi sẽ điều khiển một nhân vật và có thể linh động chọn chuyển đổi qua các thành viên còn lại vốn do AI của máy đảm nhiệm nếu như chơi đơn (single-play), hình thức này làm người viết liên tưởng tới các dòng game nhập vai hành động theo nhóm (party) của Nhật như Final Fantasy VII Remake hay Tales of Arise, chỉ khác là ta thay thế khiên, kiếm với… súng ống và lựu đạn mà thôi.
Một điểm tương quan nữa là vũ khí cũng được ghép các thuộc tính nguyên tố gọi là Affliction, dù không có mối tương quan khắc chế lẫn nhau nhưng chúng sẽ được dùng dễ quấy nhiễu số đông quân địch và gây ra các trạng thái “debuff” như hóa băng, trúng độc, giật điện hay thiêu đốt.
Đặc biệt, game không có khái niệm núp bắn (cover) đằng sau chướng ngại vật như các game bắn súng thông thường, mà thay vào đó cung cấp tới bốn cơ chế di chuyển (traversal) riêng biệt tương ứng với mỗi thành viên Task Force X như Deadshot có ba lô phản lực (jetpack), King Shark bay nhảy như King Kong, Harley Quinn thì nhào lộn, đu dây còn Boomerang đương nhiên là phóng… boomerang để tốc biến, xẹt qua xẹt lại vờn mục tiêu, đúng kiểu đã làm “anh hùng” thì phải có những lối đi riêng.
về cốt lõi Suicide Squad: Kill the Justice League có hệ thống chiến đấu tương tối thú vị và đặc sắc!
Kết hợp việc leo trèo, bay lượn “tứ lung tung” này với những kỹ năng độc đáo như bắn phản đòn “Counter-shot” ngay thời điểm đối phương xuất chiêu, công phá áo giáp “Shield-Harvest” bằng tấn công cận chiến, nạp đạp tức thời “Critical Reload” (giống như trong Gears Of War) hay những tuyệt chiêu liên hoàn trời giáng “Suicide Strike” giúp tiết tấu các pha chạm chán trong game luôn giữ được nhịp độ nhanh, gãy gọn và không gây nhàm chán.
Người viết cũng dành phần lớn thời lượng của game để thử nghiệm và khám phá các đường “build” (xây dựng nhân vật) thông qua việc lấp đầy các ô trang bị Gears riêng biệt của từng nhân vật, hay “vọc vạch” tùy chỉnh bảng kỹ năng khá thú vị! Chẳng hạn, game ẩn chứa những món đồ hay kỹ năng rất độc, lạ tựa như một trái lựu đạn cấp bậc Huyền thoại (Legendary) có thuộc tính chỉ được mang trên mình một trái duy nhất đồng thời tự làm của người chơi sụt giảm lá chắn năng lượng liên tục nhưng chỉ cần ném ra thì nó sẽ gây sát thương tăng lên tới… 1000% mức thông thường.
Việc Suicide Squad: Kill the Justice League áp dụng “live service” chả khác nào đi vào vết xe đổ của nhiều hãng game lớn từng mạo hiểm thử nghiệm mô hình này như BioWare với Anthem năm nào, hay gần đây nhất là Babylon’s Fall và Marvel’s Avengers của Square Enix, tất cả đều có chung số phận là bị… khai tử chỉ sau thời gian ra mắt ngắn ngủi.
Vấn đề mô hình này nằm ở chỗ những gì người chơi có thể trải nghiệm ở thời điểm game ra mắt chỉ là một phần nhỏ nằm trong dự định của hãng phát triển, vốn được định sẵn để dọn đường cho các mùa sự kiện (Season) mở rộng thêm sau này, giống như một quyển tiểu thuyết mà bị cắt xén đi mất vài chương vậy.
Điều này thể hiện rõ khi Suicide Squad: Kill the Justice League có tổng thời lượng cốt truyện chính (Campaign) khiêm tốn (khoảng 12 tiếng) và số lượng trang phục (cosmetics) tùy biến nhân vật rất hạn chế, nếu không muốn nói là quá ít ỏi so với mặt bằng chung các game thế giới mở hiện nay.
Chỉ cần đem so với một game “live service” khác mà người viết vừa hoàn thành mới đây là Diablo 4 thì tổng quan các hạng mục nội dung của Suicide Squad: Kill the Justice League hoàn toàn lép vế, dù cả hai có cùng chung mức giá khởi điểm.
Suicide Squad: Kill the Justice League áp dụng “live service” chả khác nào đi vào vết xe đổ của nhiều hãng game lớn
Chưa kể, yếu tố “always online” (luôn phải kết nối mạng) của game dẫn đến nhiều tình huống phải “điên đầu” nếu chất lượng đường truyền của người chơi không ổn định hay máy chủ (server) của hãng game bỗng dưng… bảo trì hoặc dở chứng!
Chẳng hạn như lỗi tự… hoàn thành khi game vừa ra mắt và ở hiện tại (sau bản vá ngày 21 tháng 2) thì người viết cùng nhiều người chơi khác trên mạng xã hội reddit thường xuyên bị “mắc kẹt” ở màn hình chờ (Metropolis Loading) sau khi hoàn thành xong một số nhiệm vụ. Phương án xử lý duy nhất chỉ có thể là… khởi động lại game, có khả năng đây là vấn đề từ hệ thống máy chủ của Rocksteady.
Công bằng mà nói Suicide Squad: Kill the Justice League có nền tảng chiến đấu “bắn phá” khá ổn nhưng tiếc thay không thể phát huy được trên một bản đồ hạn chế, luôn mang tới cho người viết cảm giác tù túng, bí bách cùng lối mòn trong tư duy thiết kế màn chơi.
Về cơ bản, do không cơ chế núp bắn nên đội ngũ thiết kế game buộc phải khuyến khích người chơi liên tục sử dụng các kỹ năng dịch chuyển (traversal), dẫn đến hầu hết thời gian chiến đấu diễn ra… ngay giữa không trung, hoặc trên diện tích nhỏ bé của các… mái nhà và sân thượng nằm rải rác xuyên suốt thành phố Metropolis.
Toàn bộ bản đồ có thiên hướng phát triển và điều hướng theo trục dọc, tức là thay vì các con đường bằng phẳng hay các góc phố nhỏ như Arkham City, bạn sẽ luôn nhìn thấy các công trình mấp mô, gồ ghề hoặc những tòa nhà cao vút vốn được bài trí để tận dụng tối đa khả năng bay nhảy, đu lượn và leo trèo mỗi nhân vật.
Đáng nói hơn là số lượng quân địch lại quá nghèo nàn về chủng loại và cách thức tiếp cận.
Thử tưởng tượng viễn cảnh cứ đi một đoạn mới thấy một nhúm “lính lác” hiện ra để “mần” mà chúng thì chỉ luôn trực chờ để rã đám thật nhanh rồi… tẩu thoát lên các địa hình cao hơn kiểu như “mèo vờn chuột” và muốn thử tài… trốn tìm với người chơi vậy. Khó chịu hơn là các tay bắn tỉa (Sniper) luôn tốc biến (teleport) mỗi khi bị áp sát và chỉ có dùng vũ khí tầm xa kết hợp tuyệt chiêu phản đòn mới hạ gục được chúng.
Nhiều lúc người viết phải bỏ ngang những trận chạm trán mà đi tiếp vì đã ngán ngẩm cái cảnh cứ phải lục lọi, rà soát từng tòa nhà chỉ để xử một, hai con lính “lôm côm” nào đó đang liên tục ẩn trốn một cách phiền toái!
Chưa kể giao diện và trải nghiệm người dùng (UI/UX) của game cũng rối rắm và khá lạc hậu, nếu không tự tinh chỉnh về mức tối giản thì vùng nhìn khả kiến của người chơi luôn bị che lấp bởi hàng tá các con số sát thương, những hiệu ứng cháy nổ hoạt họa lòe loẹt hay một mớ các biểu tượng hình thanh máu, viên đạn, lá chắn bay nhảy, rơi rớt từ kẻ thù làm rối loạn hết cả màn hình!
Suicide Squad: Kill the Justice League có nền tảng chiến đấu “bắn phá” khá ổn nhưng tiếc thay không thể phát huy được trên một bản đồ hạn chế, luôn mang tới cho người viết cảm giác tù túng, bí bách
Điểm trừ lớn nhất của Suicide Squad: Kill the Justice League nằm ở việc toàn bộ các nhiệm vụ từ cốt truyện chính (Campaign) cho đến phụ đều chỉ là sự xoay tua và “nhai lại” các tác vụ phổ thông, mà phần lớn người chơi thể loại game bắn súng đều đã phát “ngấy” như săn lùng và diệt, giải cứu con tin, bảo vệ mục tiêu cố định, hoàn toàn không có sự đột phá hay thậm chí là khu vực chiến đấu nào chuyên biệt nào cả, xuyên suốt từ đầu cho đến hậu kết game, mọi trận chiến phần lớn chỉ diễn ra trên bản đồ chính của Metropolis.
Khó chịu nhất là số lượng nhiệm vụ tuyến nhân vật phụ (Support Squad) đã có số lượng hạn chế mà còn kèm theo những điều kiện rất… ngặt nghẽo. Ví như chuỗi nhiệm vụ của nhân vật Toyman yêu cầu người chơi chỉ có thể gây sát thương khi ra đòn chí mạng (Critical Hit) còn ở nhiệm vụ của Rick Flagg thì lại chỉ được phép xài… lựu đạn.
Các nhiệm vụ này mang tới sự phiền toái và “hành xác” người chơi nhiều hơn là sự thử thách, ví dụ như khi xài hết lựu đạn mà màn chơi của Rick Flagg chưa hết thì bạn không thể chuyển đổi nhân vật mà chỉ có thể “spam” một đòn đánh cận chiến duy nhất với hy vọng mục tiêu nào đó sẽ làm rớt ra một trái lựu đạn để nhặt rồi ném vào chúng cho đến chết, cứ thế lặp đi, lặp lại một cách vô vị.
Những màn đánh trùm cũng chả khá khẩm hơn và chưa mang lại cảm giác thỏa mãn, ngoại trừ trận chiến với Batman gần cuối game có một chút yếu tố bất ngờ (mà người viết xin không “spoil” để bạn đọc tự trải nghiệm), thì còn lại đa phần chỉ có chung quy một mô típ: bắn, bắn và phản đòn cho đến hết!
Việc các nhân vật thường xuyên đối thoại liên tục trong thời gian thực cũng đòi hỏi người chơi phải bật phụ đề (subtitles) và chú tâm thường xuyên để không bị bỏ sót mất nhiều tình tiết.
Điểm trừ lớn nhất của Suicide Squad: Kill the Justice League nằm ở việc toàn bộ các nhiệm vụ từ cốt truyện chính (Campaign) cho đến phụ đều chỉ là sự xoay tua và “nhai lại” các tác vụ phổ thông